Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khởi nghiệp từ làm nông nghiệp sạch: Xu hướng mới ở Đăk Lăk

PV - 17:01, 24/07/2018

Nhận thấy sản phẩm nông nghiệp sạch là nhu cầu bức thiết hiện nay, nhiều thanh niên tỉnh Đăk Lăk mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp sạch. Những mô hình này không chỉ cung cấp sản phẩm sạch mà đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình nông dân trẻ.

Sau khi tốt nghiệp ngành trồng trọt, Trường Đại học Tây Nguyên, khoa Nông Lâm, kỹ sư trẻ Nguyễn Thế Hạnh ở tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột đã vào làm việc tại một công ty hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp. Làm việc trong môi trường công việc phù hợp, đúng sở thích và mức thu nhập ổn định, nhưng anh vẫn muốn thực hiện ước mơ trở thành một nông dân tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng.

Nông nghiệp sạch: Xu hướng mới ở Đăk Lăk Nông dân Nguyễn Thế Hạnh phát triển rau sạch theo hướng hữu cơ.

Vừa làm việc, vừa học hỏi tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, năm 2017, anh Hạnh quyết định trở về quê hương thuê 1,5 ha đất tại thôn 8, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột để trồng rau theo quy trình hữu cơ. Có sẵn kinh nghiệm làm nông nghiệp sạch nhiều năm nên trang trại rau của Hạnh phát triển rất tốt. Đến nay, mỗi tháng, Hạnh cung cấp ra thị trường 600kg rau sạch các loại như: rau thơm, xà lách, bầu, bí, cải bó xôi, cải thìa, mướp đắng, cà rốt... trừ chi phí, Hạnh thu lãi khoảng 25 triệu đồng/tháng.

Hạnh chia sẻ: Đăk Lăk đất đai màu mỡ phù hợp phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, tạo ra sản phẩm sạch. Tuy nhiên, người làm rau sạch thì vẫn rất ít, chưa cung cấp ra thị trường được bao nhiêu. Sản phẩm rau ở trang trại chủ yếu đưa vào các trường học để các em nhỏ được sử dụng nguồn rau an toàn. “Ngoài việc duy trì diện tích, ổn định chất lượng, thời gian tới, tôi mở rộng diện tích trồng rau thêm 5 sào nữa để cung cấp ra thị trường”.

Cũng gắn bó với nông nghiệp sạch, anh Nguyễn Quốc Cường, ở xã Ya Tmốt, huyện biên giới Ea Súp cũng thành công vơi mô hình trồng nấm rơm. Anh Cường cho biết, huyện Ea Súp vốn là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, các loại cây trồng kém phát triển nhất tỉnh Đăk Lăk. Năm 2015, anh được Huyện đoàn Ea Súp cho đi tham quan mô hình trồng nấm ở huyện Krông Ana. Thấy mô hình này ít phụ thuộc bởi thời tiết, chủ động được nhiệt độ và ẩm độ, giúp nấm phát triển tốt, đạt năng suất cao. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu làm nấm rơm ở Ea Súp rất lớn, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, anh quyết tâm học nghề trồng nấm rơm trong nhà làm hướng phát triển kinh tế.

Hiện nay, trang trại nấm rơm trên diện tích 400m2, với giá cả cao và ổn định từ 60-80 nghìn đồng/kg, mỗi tháng trừ chi phí, anh Cường còn lãi 50 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại nấm này còn tạo công ăn việc làm cho 8 lao động với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng.

“Sản phẩm nấm cung cấp ra thị trường chưa nhiều, mới chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ của người tiêu dùng. Trước mắt, sản phẩm nấm rơm của trang trại mới chỉ cung cấp nấm tươi ra thị trường, nhưng mình có dự định sẽ làm sản phẩm sấy khô để bảo quản nấm lâu hơn và tiện lợi trong việc vận chuyển xa”, anh Cường cho hay.

Cùng chung đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, đầu năm 2017, chị Nguyễn Thị Hồng Nhi từ bỏ công việc văn phòng nhàn hạ, thu nhập ổn ở thành phố Hồ Chí Minh trở về quê hương xã Ea Na huyện Krông Ana để xây dựng cơ sở cung cấp các giải pháp rau sạch. Sau thời gian khó khăn ban đầu, đến nay, cơ sở của chị Nhi cung cấp các giải pháp rau sạch, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau thủy canh, bán thủy canh và trồng rau trên đất theo phương pháp mới, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho khách hàng có nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Chị Nhi chia sẻ: “Nông dân Đăk Lăk chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp, cây lâu năm, còn rau thì ít được chú ý. Hiện nay, các trang trại rau sạch quy mô lớn trên địa bàn tỉnh rất ít, đa phần trồng rau theo phương pháp truyền thống. Tôi nhận thấy thực ra không phải người dân không có điều kiện để làm nông nghiệp sạch mà chủ yếu là do chưa tiếp cận được các phương pháp mới”.

Phát triển nông nghiệp sạch ở Đăk Lăk đang có tiềm năng, thế mạnh rất lớn cần được phát huy, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập mà còn tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

LÊ HƯỜNG - LÊ LIÊN

Tin cùng chuyên mục
Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Với lợi thế chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì mục tiêu này là tương đối cao; nhưng từ những thành tựu phát triển đã đạt được và sự đột phá trong tư duy, tỉnh Hậu Giang sẽ hiện thực hóa khát vọng này.