Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khởi nghiệp từ những mũi thêu

PV - 16:06, 26/11/2018

Bên cạnh công việc nông nghiệp, chị em trong Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh đến từ huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã giữ gìn nghề thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, phát triển kinh doanh trở thành những dự án khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương.

Giữ truyền thống quê hương

Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tháng 10 vừa qua, HTX Hoa Ban Xanh đã góp mặt trong chương trình Hội chợ giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ khởi nghiệp cùng với gần 40 gian hàng khác. Những mặt hàng thủ công truyền thống với hoa văn đặc trưng của người Mông, người Thái ở miền núi Nghệ An có sức hút với công chúng và du khách tới thăm quan.

baodantoc_tho_cam Gian hàng của HTX Hoa Ban Xanh tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 tại Hà Nội.

Chị Vừ Y Ma (dân tộc Mông), trưởng nhóm thêu ren bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết, HTX tập hợp các chị em trong các bản, bầu một người có kinh nghiệm làm trưởng nhóm nghệ nhân. Với 7 trưởng nhóm-cũng là 7 thành viên trong Ban Chủ nhiệm, hiện các chị đang điều hành HTX với 60 tổ viên. HTX Hoa Ban Xanh chủ yếu giới thiệu các sản phẩm thêu ren thủ công truyền thống của người Thái và người Mông với những mặt hàng thông dụng hiện nay như: khăn, túi xách, trang phục, đồ lưu niệm…

Dù nhiều công đoạn làm đồ thổ cẩm có máy móc hỗ trợ, nhưng chị em trong HTX vẫn giữ cách làm truyền thống. Chị em trong HTX cùng bảo nhau trồng dâu nuôi tằm, thu hoạch cây lanh, cây bông để làm thành vải, dùng cây cỏ tự nhiên để nhuộm màu, dệt bằng khung, thêu bằng tay. Những sản phẩm mộc mạc nhưng không kém phần tươi tắn của rừng núi Nghệ An, cùng với sự khéo léo từ đôi tay gắn bó với kim thêu từ tấm bé đã làm nên những sản phẩm thổ cẩm đẹp đẽ.

Theo chị Lô Thị Mai, Trưởng nhóm thổ cẩm Thái của bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, điều đặc biệt là dù có nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau nhưng nguyên hoa văn dệt vẫn mang bản sắc của dân tộc mình. Mỗi khi có khách hỏi đến, các chị có thể giới thiệu đầy tự hào về ý nghĩa của những họa tiết tưởng như nhỏ bé nhưng làm nên phần hồn cho những sản phẩm thủ công, phân biệt được đâu là bản sắc của người Thái, người Mông, gắn với văn hóa truyền thống và nhân sinh quan của mỗi cộng đồng.

Giúp đỡ nhau thoát nghèo

Là huyện vùng biên tiếp giáp với Lào, những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của chị em trong HTX thường được các tiểu thương mua để mang sang bán tại Lào, Thái Lan. Tuy nhiên, theo chị Phan Thị Hồng Thơm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn, cán bộ hỗ trợ cho HTX Ban Mai Xanh, dù được thị trường đón nhận nhưng người tiêu dùng hoàn toàn không biết tới thương hiệu của HTX. Nhận thấy nếu vẫn chỉ là một mặt hàng “vô danh” thì khó cạnh tranh trên thị trường nên sau một thời gian, bên cạnh việc sản xuất, chị em trong HTX đã chú trọng phát triển thương hiệu, kết hợp cùng các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp chào bán sản phẩm tại các hội chợ, làm những sản phẩm lưu niệm bán cho khách du lịch tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng.

Tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An, Dự án thành lập “Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hoa Ban Xanh” của nhóm chị em đến từ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đã được trao chứng nhận trong số 43 ý tưởng khởi nghiệp dự thi. Những ý tưởng phát triển hoạt động của HTX cũng đã được ghi nhận ở cấp Trung ương, khi trở thành một trong 20 đề án xuất sắc tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương năm 2018.

Với việc tập trung vào các hoạt động “Phát triển chuỗi giá trị thổ cẩm hàng hóa” trên cơ sở phát huy nội lực cộng đồng, năng lực tay nghề truyền thống của người dân địa phương, đồng thời khắc phục những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm hiện nay ở địa bàn huyện Kỳ Sơn, giúp bà con có thêm thu nhập trung bình từ 2-3 triệu/ người/tháng. Tính thuyết phục của Dự án là ở những điểm mới về quy trình sản xuất, cách tổ chức, quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường ngách, vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa giúp tạo sinh kế cho chị em phụ nữ vùng sâu vùng xa, đảm bảo tính phát triển bền vững trong tương lai.

Điều đặc biệt là dù có nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau nhưng nguyên hoa văn dệt vẫn mang bản sắc của dân tộc mình. Mỗi khi có khách hỏi đến, các chị có thể giới thiệu đầy tự hào về ý nghĩa của những họa tiết tưởng như nhỏ bé nhưng làm nên phần hồn cho những sản phẩm thủ công, phân biệt được đâu là bản sắc của người Thái, người Mông, gắn với văn hóa truyền thống và nhân sinh quan của mỗi cộng đồng. (Theo chị Lô Thị Mai, Trưởng nhóm thổ cẩm Thái của bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn).

MINH KHUÊ

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.