Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS Nghệ An sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

An Yên - 08:21, 07/01/2024

Không chỉ là những công trình hạ tầng cơ sở được dựng xây, không chỉ là sản xuất, đời sống có những bước khởi sắc rõ rệt… mà tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS cuối năm 2023 giảm 3% chính là điểm nhấn quan trọng nhất thể hiện sự phát triển, đổi thay của người dân khu vực miền núi kể từ khi đón “luồng gió” đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719).

Nhiều dự án hạ tầng cơ sở đã được đầu tư ở huyện Quế Phong
Nhiều dự án hạ tầng cơ sở đã được đầu tư ở huyện Quế Phong

Những kết quả tích cực

Điều thấy rõ nhất là kết quả bước đầu thực hiện Chương trình MTQG 1719 đang góp phần làm thay đổi bức tranh vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Nghệ An: cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới, nước sinh hoạt... không ngừng được quan tâm đầu tư sửa chữa, xây dựng mới, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc, giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất kinh doanh, giao thương, học tập, chăm sóc sức khoẻ...

Đặc biệt các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân như hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt (Dự án 1); bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5); chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Dự án 9)... đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần, vật chất từng bước ổn định, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS.

Chẳng hạn, việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt theo Dự án 1 – những nội dung hỗ trợ mang tính trực tiếp, tác động nhanh đến đời sống hàng ngày của bà con các DTTS thì đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng nên đã tạo ra nhiều chuyển biến. Tính đến cuối năm 2023, đã có 31 hộ đồng bào DTTS ở 3 huyện 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong được phê duyệt danh sách và thực hiện hỗ trợ đất ở. Toàn tỉnh cũng đã có 494 hộ được hỗ trợ nhà ở theo Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719 để an cư.

Đối với nguồn nước dành cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đã có 26 danh mục dự án nước tập trung được khởi công mới. Riêng nước sinh hoạt phân tán, đến nay đã có 9.858 hộ được hỗ trợ mua tẹc nước, xây dựng đường ống cấp nước. Từng bước giúp người dân có nghề, có nghiệp để ổn định cuộc sống, Chương trình MTQG 1719 cũng đã thực hiện hỗ trợ 3.803 hộ được chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới để mưu sinh.

Hạng mục đầu tư làm thay đổi rõ rệt bản làng hơn là việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN theo Tiểu dự án 1, Dự án 4. Ngay khi có các quyết định được phê duyệt, năm 2022 đã thực hiện 235 danh mục dự án khởi công mới và năm 2023 thực hiện chuyển tiếp kéo dài các dự án của năm 2022 và đầu tư 64 danh mục dự án khởi công mới. Đó là các công trình nhà văn hóa, đường giao thông nội bản và liên bản, cầu, cống các loại…

Bản sác văn hóa vùng DTTS đang ngày càng được giữ vững và phát huy hơn
Bản sắc văn hóa vùng DTTS đang ngày càng được giữ vững và phát huy hơn

Cùng với đó, để nâng cao dân trí, từng bước xóa bỏ các hủ tục, quan niệm lạc hậu… các nội dung của Dự án 5, Dự án 8, Dự án 9… được triển khai đã tạo những bước chuyển tích cực. Ngay như thực hiện Dự án 5 về bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng thì đã thực hiện 20 danh mục trong hai năm qua, đồng thời bồi dưỡng kiến thức dân tộc 7 lớp/357 người; hỗ trợ đào taọ nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho 2.627 người; triển khai 18 lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ các cấp với 900 học viên/12 lớp đào tạo cán bộ các cấp và 420 học viên/6 lớp cộng đồng.

Còn với Dự án 8, ở cấp tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và thôn bản cho gần 300 học viên, tổ chức 3 lớp tập huấn cho các thành viên của nhóm tiên phong thay đổi trong cộng đồng tại Thanh Chương, Con Cuông, Quỳ Hợp cho gần 200 học viên. Riêng cấp huyện cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn triển khai hoạt động Dự án 8 năm 2023, triển khai lồng ghép giới, an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại huyện Nghĩa Đàn.

Vẫn còn những “điểm nghẽn”

Việc thực hiện chính sách dân tộc những năm qua, đặc biệt là kể từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719 với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, đa dạng về nội dung, hình thức triển khai thực hiện nên khối lượng công việc lớn, nhiều đầu mối, nhiều văn bản hướng dẫn… đã là những khó khăn, thách thức không thể phủ nhận.

Nhìn chung, tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An còn chậm. Điều này thể hiện bằng những con số cụ thể, như: tỷ lệ giải ngân thấp, tính đến thời điểm báo cáo vào 29/12/2023 mới đạt 24,1% tổng kế hoạch; nguồn vốn sự nghiệp khó thực hiện phải tiếp tục chuyển sang năm 2024 thực hiện là hơn 622 tỷ đồng. 

Sinh kế từ hỗ trợ cây, con giống được thực hiện đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào
Sinh kế từ hỗ trợ cây, con giống được thực hiện đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, địa phương, đơn vị chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên, chưa thực hiện đúng nội dung, biểu mẫu hướng dẫn, thông tin báo cáo chất lượng chưa cao nên việc tổng hợp cũng như theo dõi tiến độ triển khai Chương trình MTQG 1719 còn gặp khó khăn, chưa đảm bảo theo yêu cầu nội dung và thời gian. Chưa kể, lộ trình phân bổ vốn của Trung ương năm sau nhiều hơn năm trước dẫn đến tình trạng thừa vốn (nguồn sự nghiệp); một số nội dung nguồn vốn được cấp nhiều nhưng không có hoặc thiếu đối tượng thụ hưởng; một số nội dung có nhu cầu, đối tượng thụ hưởng lớn nhưng nguồn vốn phân bổ lại ít.

Điều đáng quan tâm, đối tượng được hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719 chênh lệch so với nhu cầu thực tế, ngày càng bị thu hẹp dần theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm theo lộ trình nông thôn mới. Quá trình khảo sát, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi có nhiều nội dung quy định không rõ đối tượng dự kiến thụ hưởng các chính sách dẫn đến vốn giao của một số nội dung Chương trình MTQG 1719 vượt so với nhu cầu thực tế.

Khắc phục những hạn chế, khó khăn thách thức, tỉnh Nghệ An đang đặt ra lộ trình năm tới và năm cuối giai đoạn 2021-2025 với những phần việc trọng tâm, có trọng điểm. Đó là tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp gắn với tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nắm bắt, xử lý khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719. 

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng mục tiêu đã được phê duyệt. Quan trọng nhất, tỉnh sẽ chi đạo các địa phương, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình MTQG 1719 gắn với thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng cũng như kịp thời tổng hợp và kiến nghị những khó khăn, vướng mắc. Song song đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở các cấp, các ngành và địa phương phải được thường xuyên, chặt chẽ.