Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Không chủ quan, lơ là trước dịch cúm A/H5N1

Như Tâm - 14:19, 20/03/2023

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh cúm A/H5N1 ở khu vực Tây Nam Bộ có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Campuchia ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A/H5N1. Bộ đội Biên phòng các tỉnh trong khu vực đã tăng cường thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm dịch. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân cách phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây dịch cúm gia cầm sang người.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng khu vực biên giới Tây Nam Bộ tăng cường kiểm soát dịch cúm A/H5N1.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng khu vực biên giới Tây Nam Bộ tăng cường kiểm soát dịch cúm A/H5N1.

Tăng cường công tác kiểm tra 

Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), việc triển khai phòng, chống cúm A/H5N1 đang được siết chặt. Các xe tải chở hàng hóa (lúa gạo, mỹ phẩm) vẫn được qua lại thường xuyên, còn xe chở các loại gia cầm hay động vật đều bị “quay đầu”. Lực lượng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên nghiêm túc thực hiện việc theo dõi và kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh từ Campuchia về thông qua máy đo thân nhiệt ở khu vực làm hồ sơ nhập cảnh.

Thiếu tá Ngô Hồng Phú, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối tắt qua lại biên giới. Cùng với việc thắt chặt kiểm tra tại cửa khẩu, chúng tôi cũng trao đổi với các lực lượng chức năng Campuchia để kịp thời thông báo tình hình, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Tại tỉnh Kiên Giang những ngày này, lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát dịch cúm tại các cửa khẩu, đường mòn, cửa sông, vùng biển. Đồng thời, đơn vị phối hợp với lực lượng hải quan, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép.

Nâng cao ý thức của người dân

Tại Cà Mau, ngay sau khi nhận Công điện hỏa tốc của Chính phủ về việc tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng, chống cúm A H5N1. 

Ông Vương Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã trực tiếp chỉ đạo 26 đơn vị trực thuộc, trong đó có 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 5 bệnh viện tuyến huyện phải sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế; đồng thời thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch...

Trong khi đó, TP. Cần Thơ, việc bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch cúm A/H5N1 cũng đang được triển khai quyết liệt. UBND Thành phố đã chỉ đạo Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường giám sát cúm A/H5N1 và bệnh viêm phổi nặng do vi rút. Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về tình hình dịch cúm A/H5N1, cách thức phòng tránh lây nhiễm để nâng cao tính cảnh giác của cộng đồng trước dịch bệnh...

Bên cạnh đó, ngành Y tế củng khuyến cáo người dân chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh, người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Việc nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch cho mỗi người dân là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất trong lúc này.

Tin cùng chuyên mục
Giải bài toán nước sạch nông thôn ở Quảng Ninh: Chính quyền vào cuộc (Bài 2)

Giải bài toán nước sạch nông thôn ở Quảng Ninh: Chính quyền vào cuộc (Bài 2)

Từ nhiều nguyên nhân dẫn dẫn việc đầu tư nhiều công trình nước nhưng không có nước sử dụng, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án “Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025” với nhiều phương án, giải pháp, cách tổ chức quản lý, vận hành, khai thác công trình nước cụ thể nhằm giải bài toán nước sạch nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi nông thôn, vùng đồng bào DTTS đang thiếu nước.