Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được

PV - 14:55, 25/05/2022

Cảnh báo dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, các yếu tố đầu vào tăng, kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý "không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chúng ta không được thỏa mãn với những kết quả đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chúng ta không được thỏa mãn với những kết quả đạt được - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH), sáng 25/5, tại Quốc hội, vấn đề nguy cơ lạm phát và giải pháp kiểm soát là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều.

Dù ghi nhận nhiều kết quả khả quan bước đầu, một số nguy cơ hiện hữu mà Việt Nam phải đối mặt cũng được các đại biểu bàn thảo.

Đối diện nhiều thách thức

Phát biểu thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Bởi tác động của đại dịch trong thời gian dài đã tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích lũy của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.

Chủ tịch nước cảnh báo dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, các yếu tố đầu vào tăng kéo theo nhiều khó khăn chung của nền kinh tế.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng lại "bốc hơi" hàng tỷ USD trong thời gian gần đây. Vì thế, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này, giúp dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.

Về gói kích thích kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương xử lý một số vấn đề và thấy được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhận định, một số việc triển khai còn chậm; doanh nghiệp, người lao động được hưởng lợi còn ít. "Vì vậy cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn để những gói kích thích này đi vào cuộc sống".

"Chúng ta cần tập trung khắc phục ở mọi cấp để người dân yên tâm hơn trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động. Chúng ta không quá lạc quan, nhưng không được quá chủ quan…", Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đến năm 2025 nước ta thoát ra khỏi các nước có thu nhập trung bình thấp, 2030 là nước có thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước, phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu, chúng ta phải có sự tăng trưởng cao liên tục, trách nhiệm này rất nặng nề. Vì với tốc độ tăng trưởng 6 - 7%, thì đến năm 2045 chúng ta mới bằng quy mô của nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay. Chúng ta đã mất 2 năm (2020 - 2021) không đạt mục tiêu tăng trưởng, do đó để đạt được mục tiêu hùng cường, phát triển, thu nhập cao, thì cần có những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ với cơ chế chính sách đồng bộ, quyết liệt hơn để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.

Thể chế, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng. Chủ tịch nước đề nghị lưu ý: "Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề vô cùng lớn, cần tháo gỡ từ từng cấp, từng ngành".

"Phát triển hướng về người dân để người dân đỡ khó khăn, vất vả hơn là nhiệm vụ của chúng ta. Khó khăn của người dân vẫn là vấn đề chúng ta tiếp tục quan tâm để mọi người, mọi nhà, mọi doanh nghiệp có sức sống, thu nhập, tích lũy. Chính vì thế chính sách, cơ chế phải sát, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính sách đưa ra phải tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều vấn đề KT-XH cần có sự đồng bộ trong quản lý, điều hành, chỉ đạo để các địa phương có sức sống mới", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cần kiểm soát ngay giá xăng dầu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cảnh báo, với độ mở kinh tế lớn, Việt Nam gặp nhiều thách thức trong bối cảnh biến động như hiện nay, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu tăng cao, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc dẫn đến khó khăn nguồn nguyên vật liệu...

Ông Ngân cũng nhắc lại nhiều đợt lạm phát mà nước ta từng đối mặt, buộc phải "dùng thuốc liều cao" là thắt chặt chính sách tài khóa, chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Với bối cảnh hiện nay khi giá xăng dầu liên tục tăng, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng Quốc hội, Chính phủ, cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu.

"Ta chấp nhận theo cơ chế thị trường, nhưng cần có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu. như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu", ông Ngân nói và đặt vấn đề về việc không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Quốc hội nên dành một buổi để bàn nội dung này, bởi nếu không kiểm soát giá xăng dầu, thì sẽ tạo "hiệu ứng domino" khiến các mặt hàng khác tăng giá.

Với thị trường tài chính, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần "uốn nắn" để minh bạch, công khai, pháp lý rõ ràng giúp nhà đầu tư yên tâm. Cùng với đó, cần có cơ quan giám sát và xử lý sai phạm đến nơi đến chốn để đảm bảo minh bạch.

Trong khi đó, đại biểu Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh) góp ý cần siết tín dụng vào bất động sản cho đúng, tránh ảnh hưởng đến dự án cần triển khai bởi khi dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực đó sẽ tạo việc làm, tác động lớn đến KT-XH.

Đánh giá rõ về tình hình thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam

Không yên tâm trước những tác động từ bên ngoài, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị đánh giá rõ hơn tình hình thế giới và mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ví dụ Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường quan trọng của Việt Nam, nên với chính sách "Zero Covid" và những khó khăn nội tại của họ sẽ tác động lớn đến Việt Nam.

Cùng với dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm trong năm 2022 mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra, ông Hùng cũng cảnh báo tình hình tăng giá và nguy cơ nhập khẩu lạm phát ở Việt Nam.

Ông dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới về việc giá năng lượng và xăng dầu năm 2022 có thể tăng khoảng 50% so với 2021, giá lương thực thực phẩm tăng khoảng 23%.

Lưu ý tình hình tăng giá của thế giới, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Việt Nam với yếu tố là nền kinh tế mở thì nhập khẩu lạm phát là nguy cơ hiện hữu rất lớn, cần lưu ý để có đối sách phù hợp.

Ngoài ra, trong nước cũng ghi nhận giá xăng vừa tăng lên hơn 30.000 đồng/lít. Dù Chính phủ, Quốc hội có nhiều nỗ lực kiềm chế giá xăng thông qua quỹ bình ổn giá hay điều chỉnh chính sách thuế cũng như đảm bảo nguồn cung, rất khó có thể kiểm soát hoàn toàn.

Thay vào đó, đại biểu Hùng đề nghị Chính phủ lưu ý kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào khác, ví dụ như điện. "EVN cam kết 2022 không tăng giá điện, nhưng cam kết này thực hiện cũng rất khó khăn, vì đầu vào của điện là than, khí hiện giá đã tăng cao. Các nước như Singapore, Malaysia đều đã tăng giá điện 6 - 9%, một số nước châu Âu cũng tăng giá điện", ông Hùng cho biết.

Từ những yếu tố đã nêu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận mục tiêu kiểm soát CPI tối đa 4% trong năm nay là một thách thức lớn.

Tin cùng chuyên mục