Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Không còn phụ cấp hằng tháng, công an viên bán chuyên trách thiếu nguồn động viên

Thiên An - 15:34, 25/12/2020

Khi công an chính quy về đảm nhận các chức danh công an xã, đã nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở. Tuy nhiên, dù chính quy, tinh nhuệ đến mấy, thì họ vẫn phải dựa vào dân, vào những cán bộ thôn, bản, trong đó có công an viên bán chuyên trách. Việc lực lượng công an viên bán chuyên trách không còn được chi trả phụ cấp hằng tháng khiến nhiều người giảm động lực làm việc, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự ở nhiều địa phương. Phóng viên đã ghi nhận thực tế này tại Lạng Sơn.

Công an viên bán chuyên trách luôn là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an.
Công an viên bán chuyên trách luôn là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an.

Ông Chu Văn Cường, công an viên thôn Xa Đán, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng  chia sẻ: Trước đây, có phụ cấp, anh em có kinh phí để đổ xăng xe đi lại, trả tiền cước điện thoại để làm nhiệm vụ. Nhưng nay, phụ cấp không còn nên phần nào ảnh hưởng đến sự hăng hái, nhiệt tình của lực lượng công an viên như chúng tôi.

Cùng tâm trạng giống ông Cường, ông Chu Văn Dần, thôn Nà Sèn, xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn cho biết: Tôi làm công an viên từ năm 2000 đến nay, tiền phụ cấp tuy không nhiều, nhưng là nguồn động viên cho tôi và lực lượng làm việc tích cực hơn. Tuy vậy, mấy tháng nay, không còn được phụ cấp đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý làm việc của tôi và nhiều anh em khác nữa.

Theo kết quả khảo sát của Công an tỉnh Lạng Sơn, trong tổng số hơn 1.780 công an viên bán chuyên trách, thời gian gần đây đã có 776 người làm việc cầm chừng, 215 đồng chí không phối hợp làm việc, 100 đồng chí xin thôi việc, 17 đồng chí bỏ việc, còn lại 677 đồng chí vẫn phối hợp làm việc.

Theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, ngày 30/3/2020 của HĐND tỉnh Lạng Sơn, thì lực lượng công an viên bán chuyên trách ở cấp thôn không còn được chi trả phụ cấp hằng tháng, bằng 0,6 hệ số lương cơ sở nên nhiều đồng chí bộc lộ tư tưởng chán nản và xin nghỉ việc. Do thiếu vắng lực lượng công an viên nên tình hình ANTT ở nhiều thôn, xã, diễn biến phức tạp, nhất là tình hình trộm cắp tài sản, lô đề, cờ bạc, cố ý gây thương tích ở khu vực nông thôn…; đặc biệt là ở những nơi trọng điểm, phức tạp, nơi có nhiều người nghiện ma túy.

Thiếu tá Vi Văn Xáo, Trưởng Công an xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: Lực lượng công an viên bán chuyên trách ở thôn, bản thông thuộc địa bàn, hiểu phong tục, tập quán của bà con nên công tác tuyên truyền, vận động có nhiều thuận lợi. Vì thế, họ là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho công an chính quy làm tốt nhiệm vụ.

"Trước những khó khăn trên, tháng 11/2020, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng tờ trình dự thảo Nghị quyết, quy định mức chi phụ cấp hằng tháng đối với lực lượng công an viên bán chuyên trách trên địa bàn, để trình HĐND tỉnh xem xét. Tại buổi thẩm tra ngày 24/11/2020, Ban Pháp chế của HĐND tỉnh đã nhất trí với các nội dung nêu trong dự thảo, để trình kỳ họp HĐND tỉnh tới đây. Trong đó, có nội dung: mức chi phụ cấp cho công an viên bán chuyên trách là 900 nghìn đồng/người/tháng, từ ngân sách tỉnh", Đại tá Triệu Tuấn Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Nếu được thông qua, hy vọng với mức phụ cấp 900 nghìn đồng, sẽ là nguồn động viên để lực lượng công an viên bán chuyên trách duy trì hoạt động; và là lực lượng hỗ trợ cho công an chính quy hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giữ vững ANTT tại cơ sở.

Tuy nhiên, Lạng Sơn chỉ là một trong số ít các tỉnh thành trên cả nước quan tâm tới chế độ cho đội ngũ công an viên bán chuyên trách. Do đó, thiết nghĩ cần có sự điều chỉnh kịp thời về chế độ, chính sách đối với đội ngũ này để họ phát huy hiệu quả vai trò đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.