Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Không để nghèo thông tin cản trở sự phát triển của đồng bào DTTS

PV - 10:05, 05/03/2023

Dịch vụ thông tin là 1 trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 theo Điều 3, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác này còn rất nhiều rào cản do cách tiếp cận, địa hình, nhận thức của người dân… Để tăng khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin Nhà nước cần những giải pháp mạnh mẽ cũng như sự chung tay của toàn xã hội.

phụ nữ dân tộc Pa Dí, tỉnh Lào Cai sử dụng internet để bán nông sản. Ảnh: La Duy
Phụ nữ dân tộc Pa Dí, tỉnh Lào Cai sử dụng internet để bán nông sản. Ảnh: La Duy

Còn nhiều rào cản

Xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là 1 trong 7 xã trên toàn quốc, được chọn thí điểm chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020. Nằm trên Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, thuộc huyện Hướng Hóa, vì địa hình hiểm trở nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc phổ cập các thông tin chính sách cũng như triển khai số hóa các dịch vụ hành chính công.

Theo ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, nhìn nhận một cách khách quan, mô hình thí điểm xã thông minh Hướng Phùng đã có sự chuyển biến, nhất là trong nhận thức của người dân miền núi về chuyển đổi số. Từ việc bà con chỉ biết sử dụng smart phone cho việc nghe, gọi, nay người dân đã biết việc cài đặt app Medice để thực hiện cuộc gọi tư vấn với bác sĩ; biết tham gia nhóm cộng đồng trực tuyến; tiếp cận việc quảng bá và đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn...

Tuy nhiên, theo Chủ tịch xã, được chọn để xây dựng chuyển đổi số, nhưng xuất phát điểm của Hướng Phùng tương đối thấp. Bởi đây là xã vùng biên khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Hiện, dân số Hướng Phùng là 1.628 hộ, trong đó, tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm 37,3%, hộ nghèo chiếm hơn 21% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020 - 2025). Do vậy, kết quả và hiệu quả từ chuyển đổi số chưa được như kỳ vọng đặt ra ban đầu và chỉ đạt khoảng 50% theo kế hoạch.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2022, lượng người dùng internet ở Việt Nam khoảng 70 triệu người, chiếm hơn 70% dân số; hạ tầng băng rộng đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản. Những số liệu thống kê đã cho thấy, nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông đến người dân. Tuy nhiên, tại vùng DTTS và miền núi, việc hỗ trợ người dân tiếp cận internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh... còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng dịch vụ internet nhiều nơi còn rất thấp như khu vực dân tộc La Hủ, Chứt, Mảng...

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, do đặc điểm địa hình hiểm trở, rộng lớn nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tại miền núi, vùng sâu, vùng xa tốn kém và khó khăn hơn so với vùng đồng bằng. Việc hạn chế trong tiếp cận thông tin là một nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo luôn thường trực.

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc nhận định, thực trạng nghèo thông tin ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là hộ nghèo người DTTS đang là một thách thức lớn.

Tăng cường cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS
Tăng cường cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Cần có chính sách trợ giúp doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để các bất cập đó, cần có những chính sách trợ giúp đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như hỗ trợ một phần chi phí cung cấp dịch vụ di động mặt đất, dịch vụ truy cập internet băng rộng cố định, để phổ cập viễn thông tại các thôn đã có điện thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khu vực doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách thông tin và truyền thông tại vùng sâu, vùng xa; thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới...

Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tiểu dự án đặt mục tiêu bảo đảm 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.

Ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong giai đoạn tới là thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin để người dân chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu 80 - 100% dân số đạt những chỉ tiêu này để tham khảo các mô hình thoát nghèo, làm giàu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm mình làm ra.

Cũng theo ông Phí Mạnh Thắng, kết quả giảm nghèo về thông tin sẽ góp phần thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong thực hiện Chương trình giảm nghèo, từ đó nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc và coi đây là mũi đột phá trong phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Là một trong những đơn vị tích cực triển khai dịch vụ viễn thông tại vùng sâu, vùng xa, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) từ lâu đã cung cấp dịch vụ dành riêng cho đối tượng khách hàng là người DTTS, lần đầu tiên Việt Nam có tổng đài chăm sóc khách hàng thông qua 7 ngôn ngữ dân tộc Thái, Mông, Dao, Tày - Nùng, Gia Rai, Ê Đê và Khmer. Điện thoại viên cũng chính là người DTTS để có thể tư vấn, cung cấp thông tin một cách thuận lợi hơn.

Tin cùng chuyên mục