Chuyển đổi số là mục tiêu quan trọng, giúp chính quyền cơ sở rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng tại khu vực vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư đồng bộ; trình độ tiếp cận khoa học-công nghệ của đồng bào DTTS còn hạn chế, khiến công tác chuyển đổi số tại nhiều địa bàn gặp khó khăn.
Tại xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn hệ thống máy scan, máy tính bị hư hỏng và để không. Một số máy tính đang sử dụng, thì nay đã lạc hậu, không thể cập nhật được phần mềm mới. Bởi vậy, tại bộ phận một cửa của xã, nhiều thủ tục, giấy tờ, cán bộ, công chức phải thực hiện bằng văn bản giấy thay vì trên máy như trước đây. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng vì thế mà kéo dài hơn.
“Cán bộ thực hiện công tác chuyển đổi số thì, trình độ chưa cập nhật được so với yêu cầu. Cùng với đó, hệ thống máy móc cũng đã cũ nên người dân đến giải quyết thủ tục tại bộ phận một cửa của xã, nhiều lúc máy móc không hoạt động được. Cán bộ phụ trách lại phải thực hiện thủ công”, ông La Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú phân tích.
Còn tại xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn, với mục tiêu đưa công nghệ số bao phủ địa bàn, 7/7 thôn, bản đã thành lập tổ công nghệ số, với gần 40 thành viên. Tuy nhiên, vì chưa có kỹ năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số nên các thành viên vẫn tự tìm hiểu và hướng dẫn nhau thông qua các buổi họp tổ.
Ông Vy Quang Bách, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tổ công nghệ số của các thôn chưa được tập huấn về triển khai công nghệ số, nên rất vướng mắc trong triển khai thực hiện. Tại các thôn, khả năng phủ sóng di động chỗ có chỗ không cũng gây khó khăn cho các thành viên của tổ công nghệ số khi triển khai đến các hộ dân trong thôn.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số được nhiều địa phương trên địa bàn huyện Văn Bàn nỗ lực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do địa hình vùng núi hiểm trở đòi hỏi nguồn lực đầu tư hệ thống thiết bị, hạ tầng viễn thông rất lớn.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, khiến công tác chuyển đổi số chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Trước những khó khăn, bất cập này, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục, trong đó tập trung thay đổi nhận thức, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành việc chuyển đổi số, góp phần phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Bà Phùng Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Văn Bàn cho biết: HIện nay, huyện tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân và cho cán bộ công chức, viên chức nắm rõ, nắm sâu hơn về công tác chuyển đổi số. Tổ chức mở các lớp tập huấn để bồi dưỡng kiến thức cho công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này. Lựa chọn một số phòng ban, xã, thôn bản để làm điểm, từ đó tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai để triển khai trên địa bàn toàn huyện.
Chuyển đổi số góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ tại cơ sở. Tuy nhiên, để mục tiêu này đạt kết quả như mong đợi, cần có những lộ trình đầu tư cụ thể phù hợp. Trong đó, việc từng bước thay đổi nhận thức người dân vùng cao là yếu tố quan trọng.