Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Không nên đánh mất "tấm thẻ căn cước” của dân tộc mình

Duy Ly - 15:01, 03/11/2021

Ngôn ngữ được ví như tấm thẻ “căn cước” của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó cũng chính là linh hồn, là niềm tự hào và lòng tự tôn dân tộc. Vì vậy, việc “chêm” ngôn ngữ khác khi giao tiếp một cách không cần thiết, tràn lan, mất kiểm soát là vấn đề cần phải lưu tâm và thay đổi. Đặc biệt là với những người nổi tiếng - những người có sức ảnh hưởng lớn trong giới trẻ.

Hình ảnh châm biếm về cách biến tấu tiếng Việt của nhiều học sinh Việt Nam
Hình ảnh châm biếm về cách biến tấu tiếng Việt của nhiều học sinh

Vô tình hay cố ý?

Những ngày gần đây, mạng xã hội lại dậy sóng về một số đoạn video của cô ca sỹ trẻ C. và ông hoàng nhạc Việt tự xưng H. đang giao lưu trực tuyến với người hâm mộ bằng thứ ngôn ngữ Tây chẳng ra Tây, ta chẳng ra ta (hay còn gọi là nói chêm tiếng Anh vào tiếng Việt).

Sự việc sẽ không quá ồn ào, nếu như họ tương tác với người xem một cách tiết chế, có ý thức hơn khi sử dụng ngôn từ. Nhưng trong đoạn video lại cho thấy, cách nói chuyện của họ bị đa số người xem đánh giá là “chướng tai”.

Cô ca sỹ trẻ mới ra nước ngoài được khoảng “2 tuần”, nhưng đã bị “loạn ngôn ngữ” tùm lum, như: “Sự thật luôn đơn giản nhưng people make it complicated (mọi người cứ phức tạp hóa nó lên), nên mình cứ enjoy cái moment này (mình cứ tận hưởng cái khoảnh khắc này). Mình sẽ nói chuyện với mọi người nhiều hơn, tương tác với mọi người nhiều hơn và có những hoạt activities (hoạt động) nào đó thì C. sẽ show (công bố) cho mọi người...”

Anh H. cũng không kém cạnh với một đoạn ngắn video được chêm vào rất nhiều từ tiếng Anh: “Hôm nay mình phải wake up (thức dậy) rất là sớm để đi ra airport (sân bay), mình rất là scared (sợ) bị trễ, bị missed (lỡ) chuyến bay, nó khiến mình vừa bực bội lại vừa bad (tệ) cả ngày…”.

Có thể dễ dàng thấy tác động của sự việc này lên cộng đồng mạng Việt Nam nhanh như thế nào. Chỉ sau thời gian ngắn, hầu hết những bài viết, những dòng trạng thái được chia sẻ trên trang cá nhân, hội nhóm của nhiều người Việt đã cập nhật cách viết pha tạp ngôn ngữ này. Có nhiều người thấy đây là xu hướng thì bắt chước theo. Có người lại muốn mỉa mai, châm biếm người nổi tiếng nên viết lên để tăng tương tác… Nhưng tất cả vô hình chung lại đang làm lan tỏa cách sử dụng ngôn ngữ “luộm thuộm” này.

Dân mạng thi nhau bình luận “nửa Tây nửa ta” để “cà khịa” cô ca sĩ C
Dân mạng thi nhau bình luận “nửa Tây nửa ta” để “cà khịa” cô ca sĩ C

Chuyển mã ngôn ngữ không phải là cái cớ hợp lý

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhiều người cho rằng, đây là hiện tượng chuyển mã (code switching) - hành động chuyển đổi qua lại nhiều loại ngôn ngữ trong lời nói, thường xảy ra giữa những cá nhân biết nhiều hơn một thứ tiếng, khi họ quên mất từ đó diễn giải thế nào. Thuật ngữ chuyên ngành; được tiếp xúc trong môi trường quốc tế từ bé; thói quen… là những lý do khiến không ít người buộc phải đệm thêm ngôn ngữ khác vào lời nói khi trò chuyện với đối phương.

Em Hà My, du học sinh tại Úc cho biết: “Em sang đây được 4 năm thì đến năm thứ 2 bắt đầu có hiện tượng code-switching. Lý do là vì hầu hết thời gian mình nói tiếng Anh, rất ít khi sử dụng tiếng Việt, do tính chất công việc và xung quanh chủ yếu là người nước ngoài. Thi thoảng gọi điện về cho ba mẹ em mới nói tiếng Việt. Do tần suất sử dụng tiếng Anh quá nhiều, nên mình dễ bị lẫn và khó diễn đạt một số từ tiếng Việt”.

Còn với Tùng Sơn, với công việc thiết kế đồ họa của mình, Sơn cho biết mình chêm khá nhiều từ tiếng Anh khi làm việc. Tuy nhiên, hầu hết các từ này đều là ngôn ngữ chuyên ngành, bởi một số từ rất khó dịch sang tiếng Việt, hoặc nếu dịch được sẽ rất ngượng nghịu hoặc dài dòng. Vì vậy, để thuận lợi hơn cho công việc, mọi người trong công ty Sơn thường lựa chọn dùng các từ tiếng Anh thông dụng để giao tiếp.

Với trường hợp của My và Sơn thì lý do chuyển mã ngôn ngữ dường như cũng khá phổ biến và có thể hiểu được. Tuy nhiên, với trường hợp của hai người nổi tiếng được đề cập  trên lại không như vậy.

Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn có rất nhiều người Việt sống ở nước ngoài cả chục năm, thậm chí nhiều hơn, nhưng họ vẫn có thể nói tiếng mẹ đẻ một cách rõ ràng, rành mạch, cớ sao những người vẫn đang sống tại Việt Nam, vừa mới đặt chân sang nước ngoài chưa đến một tháng lại có thể quên tiếng Việt. Khó hiểu hơn là việc họ “chêm” tiếng Anh vào câu nói nghe không được tự nhiên, như thể họ “cố tình” làm vậy để chứng tỏ cho người xem thấy mình rất “Tây”.

Bạn Duy Anh bình luận: “Chị C có thể dùng từ hợp lý hơn được không? Hoạt activities là gì, trong khi bản thân từ Activities đã mang nghĩa là hoạt động. Người xem video của chị toàn là người Việt, lại chủ yếu là các bạn trẻ, chị nên chú ý hơn đến việc sử dụng ngôn ngữ của mình với tư cách là người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng”.

Bạn Hồng Hà cùng quan điểm: “Trước đây đã có một số trường hợp chêm tiếng Anh vào tiếng Việt một cách vô tội vạ và cũng đã từng bị chỉ trích trên sóng truyền hình. Chẳng thà họ cứ nói tiếng Anh rồi thêm lời dịch phía dưới để người xem dễ hiểu, chứ phát sóng cho hàng triệu người Việt theo dõi mà phần lớn không biết tiếng Anh chỉ chứng tỏ sự thiếu tôn trọng đến người nghe, cũng như thiếu chuẩn bị của người nói”.

Cũng là một người nổi tiếng sang nước ngoài học tập được 2 năm, ca sĩ Hương Tràm từng chia sẻ rằng: “Tràm muốn mọi người tự hào về tiếng Việt. Tiếng Việt chúng ta là ngôn ngữ có dấu, khi thay đổi dấu thì lại mang nhiều nghĩa khác nhau. Tràm yêu điều đấy. Đó là điều ngôn ngữ khác không có, tiếng Anh không có. Đây cũng là điều Tràm cảm thấy tự hào nhất khi trở thành một nghệ sĩ, một người phụ nữ Việt ở trên đất Mỹ”.

Ngôn ngữ, bản sắc sắc văn hóa là mã định danh của mỗi quốc gia, dân tộc
Ngôn ngữ, bản sắc sắc văn hóa là mã định danh của mỗi quốc gia, dân tộc

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Cuộc sống càng phát triển năng động thì tốc độ gia tăng vốn từ vựng mới ngày càng cao. Đó là xu thế tất yếu. Tiếng Việt cũng có rất nhiều từ phải đi vay mượn, hoặc dùng nguyên bản tiếng nước ngoài để diễn tả. Theo thời gian, những từ ngữ mới đúng đắn, được chấp nhận sẽ tồn tại, gia nhập vào vốn ngôn ngữ chung, làm phong phú thêm tiếng Việt; những từ ngữ không phù hợp sẽ nhanh chóng bị đào thải, lãng quên.

Có thể nói, việc sử dụng ngôn ngữ như thế nào là quyền của cá nhân mỗi con người. Không thể yêu cầu một người sống trong gia đình nói hai ngôn ngữ, thậm chí ba, bốn ngôn ngữ khác nhau phải nói thuần một thứ ngôn ngữ chính. Việc dùng ngôn ngữ A quá nhiều dẫn đến quên ngôn ngữ B là điều có thể xảy ra, nhưng cũng hoàn toàn có thể kiểm soát được, nếu chúng ta có ý thức.

Ngôn ngữ được ví như tấm thẻ “căn cước” của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó cũng chính là linh hồn, là niềm tự hào và lòng tự tôn dân tộc. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt trong thời buổi hội nhập, điều này lại càng quan trọng, không những để khẳng định sự tồn tại, mà còn để phổ biến rộng rãi hơn hình ảnh quốc gia, dân tộc đến bạn bè quốc tế, hướng đến xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.