Nguy cơ đánh mất tiếng mẹ đẻ
Nguyễn T.T.N, dân tộc Sán Dìu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) hiện là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. N cho biết, em chỉ biết nghe và nói được mấy từ Sán Dìu đơn giản, nhưng người đối diện phải nói chậm em mới nghe được. Nguyên nhân theo T.T.N. cho biết, là em dành hầu hết thời gian cho việc học và do hằng ngày bố mẹ chủ yếu nói tiếng phổ thông , nên em cũng ít có điều kiện học tiếng Sán Dìu.
Tuy nhiên, cũng tại thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, bé Lưu Thúy An, 5 tuổi, dân tộc Sán Dìu, chưa biết chữ, vậy mà bé nói và hát Soọng cô (một làn điệu dân ca của người Sán Dìu) vanh vách. Bé An kể: “Cháu đã biết nói tiếng Sán Dìu từ lúc 4 tuổi và học được nhiều bài hát Soọng cô. Vì thế, cháu thường xuyên được đi thi, biểu diễn cho mọi người xem”.
Qua tìm hiểu, thôn Trung Mầu nơi T.T.N. và Thúy An sinh sống có hơn 80% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Nhiều năm nay, các nghệ nhân trong Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô Trung Mầu tổ chức thường xuyên các buổi dạy tiếng và hát dân ca miễn phí và hầu hết người dân nói tiếng Sán Dìu trong sinh hoạt hàng ngày.
Còn với N.T.P, sinh viên Đại học Y Hà Nội, sinh năm 2002, dân tộc Nùng nhưng không biết nghe và nói tiếng Nùng. N.T.P chia sẻ, vì em sinh ra và lớn lên ở TP. Thái Nguyên, mà bố là người Sơn La, mẹ là người Nùng Lạng Sơn, hai người gặp nhau và lập nhiệp ở Thái Nguyên. Trong sinh hoạt hằng ngày, gia đình chủ yếu nói tiếng phổ thông, nên em không học được tiếng Nùng.
Có một thực tế là, hầu hết lớp trẻ người DTTS ở vùng ven đô, hoặc ra ngoài xã hội học tập, lao động đều ít học tiếng mẹ đẻ. Thậm chí, nhiều người coi nói tiếng mẹ đẻ là “quê”, “không sành điệu”, nên không học.
Cần đánh thức tình yêu văn hóa dân tộc trong mỗi con người
Chúng tôi có cuộc khảo sát và hỏi trực tiếp các em học sinh, sinh viên về nguyên nhân không nói được tiếng mẹ đẻ. Theo các em, có nhiều lý do, trong đó, phần lớn là vì áp lực học tập, nên các em không có thời gian học tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, còn vô vàn các lý do khác, như: Ở nhà bố mẹ thường nói tiếng phổ thông thay cho nói tiếng dân tộc; gia đình chuyển về các thị trấn, thành phố nên ít nói tiếng mẹ đẻ; chỉ có bố hoặc mẹ là người DTTS nên ít giao tiếp bằng tiếng dân tộc; không có môi trường nói tiếng mẹ đẻ; bố mẹ sợ con học tiếng mẹ đẻ sẽ không học được các ngôn ngữ khác…
Trong vô vàn lý do ấy, điều khiến chúng tôi buồn hơn cả, là có những em sinh ra và lớn lên tại vùng mà chủ yếu là người DTTS. Vậy điều gì khiến các em không thể nói và nghe được được tiếng mẹ đẻ. Phải chăng, do các em thiếu tình yêu văn hóa dân tộc của mình? Phải chăng các em tự ti, sợ bị kỳ thị, ngại với bạn bè, thầy cô khi biết mình là người DTTS?
Mất đi tiếng nói, là mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Khi bản sắc văn hóa dân tộc không còn, thì dân tộc đó cũng không tồn tại. Trước nguy cơ đó, hiện nay, có nhiều bạn trẻ cùng chung ý tưởng thành lập các đội, nhóm, CLB nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
Đáng mừng khi những năm gần đây, Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”; Nhóm “Người Thái tại Hà Nội”, Ban liên lạc, Nhóm sinh viên Mông tại Hà Nội; “Hội tuổi trẻ Sán Dìu - kết nối từ bản sắc”… đã được thành lập và thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên, các bạn trẻ tham gia trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, trong đó có bảo tồn tiếng nói, chữ viết. Tại các địa phương, các CLB bảo tồn văn hóa, các Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú, Người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo được quan tâm tạo điều kiện và mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết miễn phí.
Hơn nữa, hiện nay dân tộc nào cũng có những kênh YouTube, nhiều trang Fapage đăng tải những video dạy miễn phí tiếng mẹ đẻ trên không gian mạng. Các bạn trẻ có thể dễ dàng truy cập và học tập.
Phải khẳng định rằng, cơ hội học tập, nghiên cứu tìm hiểu bản sắc văn hóa, trong đó có tiếng mẹ đẻ được tạo điều kiện một cách tối đa. Và, việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ phụ thuộc chính vào tình yêu, lòng tự tôn dân tộc, ý thức tự thân, tự lực của mỗi cá nhân, cộng đồng.