Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Không tiếp nhận học sinh trái tuyến với các trường đủ chỉ tiêu tại Hà Nội

T.Hợp - 07:35, 03/06/2022

Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2022-2023 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ tổ chức thi, tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông và tuyển sinh vào các trường Mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2022-2023.

Không tiếp nhận học sinh trái tuyến với các trường đủ chỉ tiêu tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ
Không tiếp nhận học sinh trái tuyến với các trường đủ chỉ tiêu tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Kế hoạch nhằm duy trì và nâng cao công tác phổ cập giáo dục, tiến tới phổ cập giáo dục bậc Trung học, thực hiện phân luồng đào tạo sau khi học sinh học hết chương trình Trung học cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả dạy và học của trường phổ thông, đánh giá công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục; làm cơ sở để chuẩn bị cho người học tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2022-2023 thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức tuyển sinh đúng quy chế, chính xác, công bằng, khách quan, công khai, phân tuyến hợp lý, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Công tác tuyển sinh được thực hiện theo phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phê duyệt.

Hình thức tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 được giữ nguyên như các năm trước là trực tuyến qua cổng điện tử http://tsdaucap.hanoi.gov.vn. Các phụ huynh không có điều kiện ứng dụng về công nghệ thông tin sẽ thực hiện theo hình thức trực tiếp.

Thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao; không tổ chức khảo sát đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 1.

Với công tác tuyển sinh vào lớp 10, căn cứ nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành; có phương án xử lý kịp thời khắc phục các tình huống; chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho công tác tuyển sinh... Các điểm thi đều phải có tường bao chung quanh, có phương án đề phòng thiên tai, hỏa hoạn...

Theo phân công của Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh năm học 2022-2023 thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thường trực, có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện toàn bộ kỳ thi, tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022-2023.

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức thi và tuyển sinh bảo đảm yêu cầu đề ra.

Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện của các cơ sở giáo dục về đối tượng, chỉ tiêu tuyển sinh; bảo đảm số học sinh/lớp đúng quy định, góp phần đẩy mạnh kế hoạch công nhận trường chuẩn quốc gia. Mẫu giáo 3-4 tuổi có không quá 25 trẻ/lớp; mẫu giáo 4-5 tuổi có không quá 30 trẻ/lớp; mẫu giáo 5-6 tuổi có không quá 35 trẻ/lớp; tiểu học có không quá 35 học sinh/lớp và trung học có không quá 45 học sinh/lớp.

Thành phố Hà Nội phấn đấu năm 2022-2023 huy động ít nhất 50% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 100% trẻ em độ tuổi mẫu giáo đi học; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đến trường và được học đủ 2 buổi/ngày; ít nhất 75% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe được vào lớp 1; 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào học lớp 6; 100% học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở có nhu cầu được tiếp tục đi học tại các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.