Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khu du lịch Pha Đin Pass: Hợp tác cùng phát triển

PV - 10:02, 14/09/2018

Trên tinh thần “hợp tác cùng phát triển”, 5 hộ gia đình thuộc Hợp tác xã (HTX) Pha Đin, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã cùng nhau đóng góp tiền để thuê diện tích đồi bên đèo Pha Đin (cung đèo nối 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên) thời hạn 50 năm với mức giá 900 triệu đồng, để cải tạo thành Khu du lịch Pha Đin Pass. Sau hơn 1 năm đầu tư tâm huyết, đến nay, Khu du lịch Pha Đin Pass đã cho “trái ngọt” với hàng trăm lượt khách ghé thăm mỗi ngày.

Nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch, cùng ý tưởng muốn xây dựng một điểm nghỉ ngơi, dừng chân để du khách có thể thoải mái vui chơi, ngắm cảnh, đồng thời là nơi giao lưu của người dân 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, anh Đinh Văn Tuấn, một trong 5 hộ gia đình đã đứng ra kêu gọi các thành viên góp vốn để cải tạo quả đồi 50ha bên đèo Pha Đin thành điểm du lịch.

Khu du lịch Pha Đin Pass trở thành nơi giao lưu văn nghệ của người dân 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Khu du lịch Pha Đin Pass trở thành nơi giao lưu văn nghệ của người dân 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Anh Tuấn cho biết, việc đứng ra vận động các gia đình góp vốn làm ăn chung không gặp nhiều khó khăn, bởi tất cả đều nhìn ra tiềm năng từ ý tưởng này. Hằng ngày, lượng khách du lịch dừng chân trên đèo Pha Đin để ngắm cảnh rất đông, nhưng không có một điểm dừng nghỉ cụ thể nào. Vì thế, việc xây dựng Khu du lịch Pha Đin Pass trở thành điểm nhấn nổi bật trên cung đèo thuộc “tứ đại đỉnh đèo” ở Tây Bắc là rất phù hợp.

Khu du lịch Pha Đin Pass được bắt đầu được xây dựng từ tháng 10/2016, việc cải tạo quả đồi hoang sơ khiến các thành viên gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề không có điện, nước. Những ngày đầu, anh Tuấn cùng các hộ gia đình cho gieo hạt tam giác mạch, nhưng vì thời tiết quá lạnh cây không mọc nổi, mọi người nảy ra ý tưởng làm ngọn đồi chong chóng để thay thế hoa tam giác mạnh. Tuy nhiên, gió thổi mạnh đã cuốn bay số chong chóng với số tiền đầu tư gần 30 triệu đồng. Với tinh thần quyết tâm thử nghiệm, các thành viên đã nghĩ ra phương án làm những chiếc chong chóng thủ công bằng vỏ chai nước để tiết kiệm tiền, cũng như chịu được sức gió. Với phương án này, những chiếc chong chóng với nhiều sắc màu trở thành điểm nhấn chủ đạo của Khu du lịch. Ngoài ra, 5 hộ dân còn kết hợp trồng các loại hoa: tam giác mạch, cải, hồng, lan, cánh bướm... theo mùa tạo không gian hòa quyện với thiên nhiên. Sau một thời gian ươm trồng, chăm sóc, đất không phụ công người, đầu năm 2017, Khu dịch Pha Đin Pass chính thức mở cửa đón khách.

Những chiếc chong chóng do những thành viên trong HTX Pha Đin sáng tạo, trở thành điểm nhấn của khu du lịch. Những chiếc chong chóng do những thành viên trong HTX Pha Đin sáng tạo, trở thành điểm nhấn của khu du lịch.

Là một trong 5 hộ gia đình tham gia xây dựng Pha Đin Pass từ những ngày đầu tiên, bà Lò Thị Duyên cho biết: “Nghĩ lại thời gian đầu bắt tay vào cải tạo quả đồi thực sự rất gian nan. Tôi còn nhớ cái rét căm căm những ngày tháng 10, đứng trên đồi gió thổi mạnh tê buốt cả người. Nhưng chúng tôi luôn đoàn kết và có niềm tin sẽ xây dựng thành công để biến nơi đây trở thành trung tâm du lịch của tỉnh nhà. Đặc biệt là lưu giữ bằng chứng lịch sử để tri ân thế hệ cha anh đã ngã xuống trên con đường kéo pháo trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa”.

Sau hơn 1 năm triển khai, đầu năm 2018, các hộ gia đình đã thành lập HTX Pha Đin với 17 thành viên, do anh Đinh Văn Tuấn làm Chủ nhiệm. Tất cả các thành viên đều có trách nhiệm tham gia vào xây dựng, cải tạo Khu du lịch như: làm vườn, trồng hoa…

Với lượng khách mỗi ngày từ 200-300 lượt ghé thăm, riêng dịp lễ, tết lên tới hàng nghìn người đã giúp cho các thành viên trong HTX có thu nhập đều đặn hàng tháng từ 3-7 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho con em trong gia đình. Giờ đây, quả đồi hoang sơ ngày nào đã trở thành Khu du lịch đặc sắc của tỉnh Điện Biên với tổ hợp các dịch vụ: ăn uống, nghỉ dưỡng, chụp ảnh…Đây còn là địa điểm để người dân địa phương bán, giới thiệu các đồ thủ công truyền thống.

HỒNG MINH