Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Khu tái định cư ở Tuy Phước (Bình Định): Sau 8 năm vẫn không điện, không nước

PV - 10:38, 14/12/2018

Năm 2010, UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) đã tiến hành xây dựng Dự án Di dân vùng ngập lũ, triều cường thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa. Dự án nhằm mục đích di dời khoảng 200 hộ dân ở những vùng trũng lên vùng cao, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt. Thế nhưng, hiện nay chỉ có 3 hộ dân sinh sống, đìu hiu trên khu đất rộng 3,7ha cỏ mọc um tùm.

Tuy Phước Khu di dãn dân mới chỉ có 3 căn nhà nằm trơ trọi, xung quanh cỏ mọc um tùm.

Dự án Di dãn dân vùng ngập lũ, triều cường thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa được UBND huyện Tuy Phước đầu tư xây dựng với 128 lô đất ở, đất công trình công cộng, giao thông để bố trí di dời khoảng 200 hộ dân sống trong vùng nguy cơ thiên tai cao tại 02 thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam.

Theo UBND huyện Tuy Phước, Dự án là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV, xây dựng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, thuộc chương trình bố trí tái định cư theo Quyết định số 193/2006 ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ và ngân sách huyện Tuy Phước. Năm 2010, UBND huyện Tuy Phước triển khai xây dựng dự án, dự kiến đến cuối năm 2011, hoàn thành mặt bằng và bàn giao cho người dân vào ở.

Điều đáng nói, đã 08 năm trôi qua, nhưng khu tái định cư này vẫn không điện, không nước và không một người dân nào muốn đến ở. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng gặp một số vướng mắc nên kéo dài nhiều năm. Đầu tháng 4/2018, UBND huyện Tuy Phước mới tiến hành nghiệm thu, vận động và hỗ trợ bà con vào Khu di dãn dân này. Theo kế hoạch, đến hết năm 2018, chính quyền địa phương hỗ trợ đất khoảng 150-200m2/hộ ở và hơn 20 triệu đồng để di dời trước 50 hộ dân, những hộ còn lại sẽ di dời vào năm 2019.

Thế nhưng, thời điểm hiện tại, chúng tôi về khu tái định cư di dãn dân vùng ngập lũ, triều cường thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa chỉ thấy mới có 03 hộ dân làm nhà và sinh sống. Qua tìm hiểu, được biết những hộ dân này do không có nơi ở nên đã chuyển về đây trước, đến nay đã tròn một năm. Song, điều kiện sống của những hộ dân hết sức thiếu thốn, không điện, không nước và các nhu cầu thiết yếu khác. Xung quanh khu tái định cỏ mọc um tùm, 03 ngôi nhà nằm lọt thỏm trên khu đất rộng 3,7ha lạnh lẽo, hoang vắng. Để có điện thắp sáng, và nước sinh hoạt người dân đều nhờ vào các hộ sống ngoài khu vực.

Một người dân đang sống ở khu tái định cư chia sẻ: Huyện đã đưa ra danh sách các hộ cần phải di dời nhưng vì chưa có điện, nước nên họ chưa đi. Sở dĩ chúng tôi đến đây cất nhà ở trước, là vì không có chỗ ở. Lâu nay chúng tôi nhờ điện, nước các hộ dân gần đây hoặc dùng nước mưa. Tôi thấy họ đang đào hố làm trụ điện và hẹn tháng nữa sẽ mắc điện, còn nước thì không biết đến khi nào mới có.

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: UBND huyện đang triển khai kéo điện cho khu tái định cư. Do dự án còn nhiều vướng mắc nên kéo dài đến nay chưa xong. Vừa rồi huyện mới giao mặt bằng và hiện đang tiến hành làm hệ thống điện, nước.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho hay: Việc xây dựng khu tái định cư di dân vùng ngập lũ, triều cường Phước Hòa là chủ trương đúng của tỉnh, của huyện nhưng do vướng nhiều vấn đề nên chậm hoàn thành. Vừa qua, huyện đã chỉ đạo các bên liên quan, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục công trình. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành lắp đặt điện, nước để người dân có thể xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Việc di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt là cần thiết, nhưng thời gian xây dựng khu tái định cư lại kéo dài, khiến cho cuộc sống của người dân vùng lũ gặp nhiều khó khăn. Vì thế các ngành chức năng huyện Tuy Phước cần phải quyết liệt vào cuộc, giải quyết những vướng mắc để người dân an cư lập nghiệp.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.