Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Khuổi Khon - Con đường phía trước

Minh Thu - 09:51, 01/09/2020

Là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái- văn hóa, những năm gần đây, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) được ngành Văn hóa địa phương quan tâm, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) và đã có những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, để đầu tư, xây dựng Khuổi Khon trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng Khuổi Khon chưa thực sự phát triển từ DLCĐ
Nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng Khuổi Khon chưa thực sự phát triển từ DLCĐ

Vùng đất giàu tiềm năng

Đưa chúng tôi lên Khuổi Khon vào một buổi trưa tháng 7/2020, chị Hoàng Thùy Phương, cán bộ văn hóa huyện Bảo Lạc kể rất nhiều về điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) xóm Khuổi Khon, nơi sinh sống của 60 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô. Khuổi Khon là địa chỉ DLCĐ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp từ thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ và những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Lô Lô, với những nếp nhà sàn đơn sơ xen giữa những nương ngô, thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Lô Lô, làm bằng vật liệu chính là gỗ và tre, gồm 5 gian, 4 mái, cửa ở chính giữa, ông Chi Viết Hải, Người có uy tín xóm Khuổi Khon cho biết, Khuổi Khon hiện có 60 hộ, 283 nhân khẩu. Diện tích của cả xóm có 43ha, trong đó, cây trồng chủ lực là ngô, lúa.

Ông Hải kể, gần chục năm trước, nhà quay phim người Pháp tên là Nicolas Vidal đến Khuổi Khon khảo sát, thực hiện một số cảnh quay cho một bộ phim. Sau đó, truyền hình Pháp công chiếu bộ phim tư liệu về mảnh đất, con người Khuổi Khon với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Lô Lô.

Đến năm 2017, với sự quan tâm của ngành Văn hóa, Tour du lịch cộng đồng Khuổi Khon được hình thành, để du khách đến khám phá văn hóa người Lô Lô… Giá vé cho mỗi khách là 20.000 đồng/lượt. Nếu ngủ lại qua đêm, khách chỉ phải trả thêm 50.000 đồng/người. Hiện nay, quỹ cộng đồng xóm có khoảng 50 triệu đồng dùng để cho bà con vay vốn phát triển kinh tế, với lãi suất ưu đãi.

Chị Chi Thị Duyên, một trong những hộ đầu tiên mở dịch vụ Homestay ở Khuổi Khon chia sẻ: Du khách nói chung, khách nước ngoài nói riêng rất thích thú khi được nghỉ tại nhà sàn, được trải nghiệm các hoạt động hằng ngày cùng với người dân. Họ được chế biến các món ăn truyền thống; chăm sóc gia súc, gia cầm; thêu, dệt thổ cẩm và tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ cùng đồng bào Lô Lô… Tuy nhiên, lượng khách không đều và không thường xuyên, vì vậy, thu nhập của người dân từ DLCĐ chưa ổn định.

Khuổi Khon còn có một điểm đến khá thú vị, đó là đỉnh gió hú. Từ đây, du khách có thể nhìn bao quát, cảm nhận rõ khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp giữa mây trời; bên dưới là những nếp nhà sàn mái ngói rêu phong xen giữa những cây vải cổ thụ, tạo nét chấm phá cho bức tranh đẹp về làng quê miền núi.

Phụ nữ Lô Lô trình diễn dệt thổ cẩm tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc năm 2019
Phụ nữ Lô Lô trình diễn dệt thổ cẩm tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc năm 2019

Cần được đầu tư đồng bộ

Nhiều tiềm năng là vậy, nhưng việc khai thác du lịch ở Khuổi Khon vẫn còn nhiều hạn chế. Điểm DLCĐ xóm Khuổi Khon đã được huyện Bảo Lạc khảo sát và trình tỉnh Cao Bằng từ năm 2017, nhưng hiện chưa có kinh phí để thực hiện.

Trên thực tế, điểm DLCĐ Khuổi Khon vẫn mang tính tự phát. Hiện cả xóm chỉ có hai gia đình làm Homestay mới có nhà vệ sinh, phòng tắm riêng cho khách. Theo thống kê của ngành Văn hóa, tuy số lượng du khách đến với Khuổi Khon có tăng, nhưng hầu hết không trở lại lần thứ hai.

Đối với nghề thủ công, nhiều gia đình vẫn giữ nghề truyền thống dệt vải, may trang phục, nhưng sản phẩm chỉ được thực hiện lúc nông nhàn hoặc vắng khách. Năm 2018, từ nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, 50 phụ nữ trong xóm Khuổi Khon được truyền dạy lại những kỹ thuật thêu hoa văn trên áo. Nhưng chỉ có 20/50 người trong số này biết và thạo nghề dệt thổ cẩm.

Hiện, Tổ dệt thổ cẩm xóm Khuổi Khon cũng chỉ hoạt động tự phát, các chị em tự dệt, trưng bày tại khu nhà Homestay của xóm để bán cho khách du lịch, nhưng doanh số chẳng đáng là bao.

“Muốn đẩy mạnh phát triển du lịch, ngoài việc đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước…; lâu dài cần thành lập những nhóm nghệ nhân, phục dựng, biểu diễn văn hóa phi vật thể dân tộc Lô Lô, về phong tục tập quán, các điệu hát dân ca, dân vũ...; với đãi ngộ tương xứng cho nghệ nhân để duy trì bản sắc văn hóa”, ông Chi Viết Hải đề xuất.

Chia sẻ về hướng phát triển DLCĐ ở Khuổi Khon, ông Nguyễn Ích Chánh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết, huyện sẽ gắn Đề án Quy hoạch phát triển điểm DLCĐ xóm Khuổi Khon, với chương trình xây dựng NTM và Chương trình Mục tiêu quốc gia để lồng ghép nguồn lực thực hiện. Có như vậy, du lịch Khuổi Khon nói riêng, du lịch Bảo Lạc nói chung mới có thể phát triển.

Tin cùng chuyên mục