Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khuổi Trang, Khuổi Củng sau một năm có điện

PV - 15:23, 17/07/2018

Điện về, những người dân thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) vỡ òa trong niềm vui, phấn khởi. Sau hơn 1 năm có điện, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay nhanh chóng.

Thôn Khuổi Củng, có trên 83 hộ gia đình với 380 nhân khẩu sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90% còn lại là dân tộc Dao. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Sùng Mý Chính, năm nay 65 tuổi. Bên ly trà đặc, ông Chính kể cho chúng tôi nghe về sự đổi thay của thôn sau khi có điện lưới với những ngôi nhà khang trang mới được xây dựng, về một năm mưa thuận, gió hoà... Đối với ông Chính cùng hàng trăm người dân sống ở nơi đây, ngày đóng điện lưới quốc gia về thôn là một ngày hội lớn.

điện lưới Niềm vui có điện của bà con thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình).

Được biết, những năm trước khi chưa có điện, nhiều hộ dân thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng đã lắp đặt tuabin ở những con suối để lấy điện thắp sáng. Tuy nhiên, giải pháp này không mấy hiệu quả, bởi nguồn nước ở những con suối không ổn định, mùa khô lưu lượng nước chảy ít không đủ để phát điện, mùa mưa thì lũ tràn về khiến tuabin chìm sâu trong nước không hoạt động được. Trong khi đó, nhiều nhà cũng không có điều kiện để lắp tuabin. Do vậy, bao năm qua, nhiều hộ dân ở trong thôn phải chấp nhận sử dụng đèn dầu, đốt nến thắp sáng vào buổi tối.

Anh Triệu Văn Liều, Trưởng thôn Khuổi Củng cho biết: Đời bố tôi, đến tôi, rồi đến đời con tôi… vẫn phải sống nhờ ngọn đèn dầu thắp sáng mỗi khi màn đêm buông xuống. Tháng 1/2017, được sự quan tâm đầu tư của ngành Điện kéo điện lưới về bản, có điện người dân chúng tôi vui lắm, bởi điện không chỉ đem lại nguồn thắp sáng mà còn giúp chúng tôi nắm bắt được thông tin, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, biết những tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất… qua các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, đài phát thanh.

Nếu như trước kia, trong thôn Khuổi Củng chỉ có vài ba hộ có tivi chạy bằng ắc quy tích điện thì sau hơn 1 năm có điện lưới, 80% số hộ dân ở đây đã mua sắm tivi và nhiều thiết bị gia dụng thiết yếu khác như: Tủ lạnh, quạt, nồi cơm điện… nhiều hộ đã đầu tư mua máy thái rau chuối phục vụ chăn nuôi.

Vui mừng khi ánh sáng điện lưới quốc gia đã phủ khắp thôn bản, thầy giáo Triệu Văn Xuân, giáo viên điểm trường Khuổi Trang, Trường Tiểu học Xuân Lập tâm sự, mùa đông ở đây tối nhanh lắm, chỉ 5 giờ chiều là sương mù dày đặc, cả thôn chìm trong bóng tối. Trẻ con đi học về không có điện để học bài, sách vở cũng bỏ đấy lên giường đi ngủ. Không có điện, thầy, cô giáo muốn soạn bài giảng cũng khó, thông tin liên lạc lại càng không được tiếp cận nhiều. Sau khi có điện lưới, nhà trường đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, như đài để dạy tiếng Anh, máy chiếu để phục vụ công tác giảng dạy. Học sinh ở nhà khi có điện cũng có điều kiện để học hành tốt hơn.

Việc đưa điện lưới quốc gia lên vùng cao đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và là tiền đề để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

QUỐC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.