Tham dự Tọa đàm ngoài đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Sở NN&PTNT các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình là 100 đại biểu cán bộ khuyến nông cộng đồng, HTX, doanh nghiệp và nông dân tiêu biểu.
Qua thời gian triển khai thực hiện từ 2022 – 2024, toàn quốc đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được gần 5.200 Tổ khuyến nông cộng đồng với khoảng 47.290 thành viên tham gia. Thành viên tham gia Tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo, cán bộ xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, đại diện hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Sau 2 năm thí điểm, Đề án khuyến nông cộng đồng đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Qua 2 năm thí điểm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 56 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các Tổ khuyến nông cộng đồng với gần 1.300 học viên tham gia. Đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 2.000 cán bộ khuyến nông cộng đồng về các kiến thức, kỹ năng kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, phát triển thị trường, chuyển đổi số,… Các Tổ khuyến nông cộng đồng tại 5 vùng nguyên liệu đã tư vấn, hỗ trợ cho khoảng 50 hợp tác xã với tổng diện tích gần 10.000ha trong việc lồng ghép các chương trình, dự án khuyến nông. Từ đó để các hợp tác xã tăng cường phát triển, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, giúp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt tiêu chuẩn.
Theo đó, khuyến nông cộng đồng đã khẳng định vai trò, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, thể hiện rõ vai trò hỗ trợ cho người nông dân. Đặc biệt là thay đổi tư duy, nhận thức, củng cố lại hệ thống khuyến nông trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông; đổi mới, đa dạng hóa chức năng, hoạt động của khuyến nông cơ sở; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, đặc biệt là ở các vùng nguyên liệu, nông dân đã được tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, được tham gia liên kết sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường…
Tại Hội Thảo, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và khuyến nông các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên đã trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm. Các đại biểu cũng giới thiệu kết quả và kinh nghiệm trong việc xây dựng, tổ chức hoạt động các Tổ khuyến nông cộng đồng. Đồng thời nêu ra một số khó khăn và thuận lợi trong hoạt động của Tổ khuyến nông cộng đồng; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cho các Tổ khuyến nông cộng đồng về kinh tế tập thể, phát triển HTX, kiến thức về thị trường, liên kết sản xuất, chuỗi giá trị, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất…