Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 44 của Ban Bí thư tại Kon Tum

P.Nguyên - T.Nhân - 18:44, 28/03/2023

Chiều 28/3, Đoàn kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, giai đoạn 2019 - 2022 do Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Kon Tum.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Kon Tum có ông Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên gần 10.000 km2, giáp với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và hai nước bạn Lào, Campuchia với đường biên giới dài 292,522 km. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 1 thành phố và 9 huyện, trong đó có 4 huyện biên giới) với 102 đơn vị hành chính cấp xã (10 phường, 7 thị trấn, 85 xã; có 13 xã biên giới). Dân số toàn tỉnh khoảng 583.000 người với 43 dân tộc, trong đó đồng bào DTTS chiếm 54%, có 7 DTTS tại chỗ, trên 42% dân số theo các tôn giáo.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học - Trưởng Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các quy định liên quan của Trung ương, của tỉnh, nên đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được tăng cường với những hình thức, cách làm mới phù hợp, hiệu quả trong tình hình hiện nay; lồng ghép hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; chú trọng việc xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ... đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 70/85 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ năm 2019 đến nay, đã tổ chức trên 2.330 buổi tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các thôn, làng trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự với hơn 527.800 lượt người tham gia. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các trường học với 99 đợt, trên 39.600 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ 858 buổi với hơn 70.790 lượt người tham gia; giao nộp, thu hồi hơn 5.000 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh đã nắm tình hình, đăng tải, chia sẻ tin, bài viết phục vụ đấu tranh, phản bác, định hướng dư luận, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới với hơn 80 trang, nhóm Facebook, Blog... Qua công tác nắm tình hình trên mạng xã hội, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện 62 đối tượng, 7 hội, nhóm đăng tải, bình luận, chia sẻ các bài viết có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, thông tin xấu, độc chưa được kiểm chứng.

Hằng năm, tổ chức tốt Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với các cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Công an các cấp đang tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động của 48 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” tại 10/10 huyện, thành phố.

Ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại buổi làm việc
Ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại buổi làm việc

Từ thực tiễn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị Chính phủ, Bộ Công an có chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nghiên cứu có một quỹ kinh phí dành riêng cho việc xây dựng phong trào để động viên đội ngũ cán bộ và duy trì, nhân rộng các mô hình tốt, hiệu quả đối với công tác bảo vệ an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ban hành quy định, hướng dẫn xây dựng, nhân rộng mô hình quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự thống nhất trong toàn quốc.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, Trưởng đoàn kiểm tra đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tỉnh Kon Tum đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 44 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định, phong trào bảo vệ ANTQ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất việc triển khai thực hiện phong trào ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, để phong trào toàn dân bảo ANTQ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đạt được nhiều kết quả, thành tích to lớn góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Tin cùng chuyên mục