Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Phát huy vai trò của Người có uy tín trong bảo vệ an ninh Tổ quốc

PV - 10:37, 21/07/2022

Trong giai đoạn 2010 - 2021, toàn huyện có trên 40 Người có uy tín đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của thôn, khóm; 20 Người có uy tín là đại biểu HĐND cấp xã, thị trấn.

Thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) quan tâm thực hiện tốt việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ sự quan tâm này, những Người có uy tín trên địa bàn huyện đã có nhiều đóng góp quan trọng, trở thành cầu nối chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gia đình, dòng họ và quần chúng Nhân dân, góp phần tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đời sống mới, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Người dân tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Công an. (Ảnh: N.T)
Người dân tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Công an. (Ảnh: N.T)

Đakrông là huyện vùng cao, biên giới gồm 13 xã, thị trấn với 76 thôn, khóm, bản, có trên 80% dân số là người Vân Kiều và Pa Kô; toàn huyện có 162 Người có uy tín, trong đó có 92 người tiêu biểu trên lĩnh vực an ninh trật tự. Thành phần Người có uy tín rất đa dạng gồm các chức sắc, chức việc tôn giáo, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, cán bộ nghĩ hưu, nghệ nhân...

Trưởng Công an huyện Đakrông, Thượng tá Hoàng Văn Trung cho biết: Xác định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Người có uy tín, trong những năm qua, Công an huyện đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và ngành Công an đối với Người có uy tín. Thường xuyên phối hợp tổ chức thăm hỏi, động viên, trao đổi, cập nhật thông tin tình hình thế giới, khu vực và trong nước cũng như yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự để nâng cao nhận thức và đề nghị những Người có uy tín tham gia cộng tác, giúp đỡ; tạo điều kiện cho họ đi tham quan các di tích lịch sử cách mạng, thăm Lăng Bác Hồ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an gặp mặt, động viên. Thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Công an đối với bản thân, đội ngũ Người có uy tín tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nổi bật trong việc tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Người có uy tín ở huyện Đakrông là vận động, hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng. Tham gia tuyên truyền, giải phóng mặt bằng thi công các công trình trọng điểm. Giáo dục con em trong họ tộc, gia đình, tín đồ tôn giáo chấp hành nghiêm pháp luật, không phạm tội, không tham gia tệ nạn xã hội.

Đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Làm nòng cốt trong các ban điều hành xây dựng mô hình phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà trọng tâm là các chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy; phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em và tăng cường quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2010 - 2021, toàn huyện có trên 40 Người có uy tín đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của thôn, khóm; 20 Người có uy tín là đại biểu HĐND cấp xã, thị trấn; là thành viên chủ chốt tham gia hòa giải thành công hơn 270 vụ việc… Qua các phong trào trên từng lĩnh vực, đã xuất hiện nhiều tấm gương Người có uy tín tiêu biểu là cán bộ hưu trí như: Ông Hà Đình Việt ở xã A Bung, Hồ Thanh Bân ở xã Hướng Hiệp, bà Hồ Thị Thanh ở xã Mò Ó, ông Hồ Lô ở xã A Ngo...

Người có uy tín ở huyện Đakrông tích cực phối hợp với lực lượng Công an trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng. Tham gia phát hiện, phòng ngừa tố giác tội phạm; tuyên truyền vận động, giáo dục người thân, con em của mình tích cực phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và ý thức trách nhiệm của con em cũng như người dân tại các địa phương. Tiêu biểu như ông Lê Xuân Bền xã Tà Long, bà Hồ Thị Phuôm ở xã Đakrông, bà Hồ Thị Thanh ở xã Mò Ó, ông Hồ Trọng Hòa ở xã Ba Lòng…

Họ còn có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự và là lực lượng nòng cốt, cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước. Tiêu biểu như ông Kray Sức và ông Mai Hoa Sen ở xã Tà Rụt là những nghệ nhân, người làm kinh tế giỏi; ông Pả Ê Nót và Hồ Nia ở xã Đakrông là những cốt cán đạo Tin lành đã xây dựng thành công mô hình “Bản không có rượu bia”; ông Ai Thân là Mục sư đạo Tin lành ở thôn Làng Cát, xã Đakrông thực hiện hiệu quả các mô hình “3 quản”, “3 giảm, 4 giữ” do chính quyền và Công an huyện phát động tại điểm nhóm phụ trách…

Giai đoạn 2010 - 2021, đội ngũ Người có uy tín ở huyện đã cung cấp cho lực lượng công an trên 250 tin báo tố giác tội phạm; vận động Nhân dân tự giác giao nộp hơn 70 khẩu súng tự chế, 3 khẩu súng quân dụng, hơn 20 kg thuốc nổ. Tham gia duy trì hoạt động hơn 40 loại mô hình bảo đảm an ninh trật tự. Phối hợp tuyên truyền, vận động hơn 500 hộ ký cam kết tự quản đường biên, cột mốc; vận động các hộ dân tự nguyện cam kết từ bỏ các tà đạo; vận động 15 hộ không di cư tự do. Bên cạnh đó, Người có uy tín cũng đã giúp đỡ, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh.

Tiêu biểu có ông Hồ Lô ở thôn A Rồng Dưới, xã A Ngo tự nguyện hiến tặng 1.300 m2 đất ở vị trí đẹp để xây trụ sở làm việc của Công an xã A Ngo. Vợ chồng ông từng 5 lần hiến tặng hơn 10.000 m2 đất để xây dựng trụ sở UBND xã, trường học, đường liên thôn và cụm cơ động 4 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại địa phương, công tác vận động tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, sự quản lý của chính quyền địa phương và sự phối hợp giữa các ban, ngành, các lực lượng trên địa bàn, trong đó mặt trận là trung tâm, lực lượng Công an là nòng cốt. Cần thường xuyên tuyên truyền, vận động khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống dân tộc trong Người có uy tín.

Đồng thời, quan tâm về chính sách cụ thể, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, kịp thời động viên khen thưởng để họ tự nguyện phát huy vai trò của mình trong quần chúng Nhân dân. “Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình an ninh chính trị, xã hội... để Người có uy tín nắm bắt và kịp thời phát huy vai trò của mình; phối hợp thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín. Động viên Người có uy tín tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Khen thưởng kịp thời những Người có uy tín tiêu biểu xuất sắc”, Thượng tá Hoàng Văn Trung cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.