Tham gia Diễn đàn có gần 100 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, công chức văn hóa, Tổ trưởng "Tổ truyền thông cộng đồng" (TTCĐ), Chủ nhiệm "địa chỉ tin cậy cậy" của 14 xã trong phạm vi triển khai thực hiện Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn huyện Kim Bôi.
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kim Bôi, xây dựng "địa chỉ tin cậy" hay gọi tên khác là "địa chỉ an toàn" và mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" là 2 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8, Chương trình MTQG 1719.
Theo đó, Hội LHPN huyện đã tổ chức thành lập, ra mắt 09 mô hình điểm "địa chỉ tin cậy cộng đồng" với 90 thành viên tại 9 xã. Tính đến 31/10/2024, toàn huyện Kim Bôi đã thành lập được 17 mô hình địa chỉ tin cậy với 170 thành viên (trong đó cấp huyện có 14 mô hình; cấp cơ sở là 03 mô hình). Các mô hình đều do ủy ban nhân dân xã ra quyết định thành lập và quản lý, các thành viên là những cá nhân có uy tín cao trong cộng đồng.
Địa chỉ tin cậy được đặt tại các điểm, phù hợp với tình hình thực tế các xã như: Trung tâm y tế xã, nhà văn hóa thôn, trụ sở công an xã. Thông qua mô hình, đã trở thành điểm tựa cho phụ nữ bị bạo hành, giúp nạn nhân của bạo lực gia đình mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của địa chỉ tin cậy; góp phần phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái tại địa phương.
Nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, Hội LHPN huyện Kim Bôi xây dựng kế hoạch và phối hợp Hội LHPN 14 xã thực hiện dự án thành lập 14 mô hình điểm Tổ TTCĐ.
Tính đến nay toàn huyện Kim Bôi đã thành lập được 73 mô hình tổ Tổ TTCĐ với 732 thành viên tham gia, gồm Bí thư Chi bộ, trưởng thôn/xóm, công an viên, y tế thôn bản, chi hội trưởng phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Người có uy tín trong cộng đồng. Trong đó, đồng chí Bí thư chi bộ/trưởng thôn, xóm là tổ trưởng đóng vai trò nòng cốt. Đây là những người có trách nhiệm, có khả năng kết nối, phân công công việc cho các thành viên khác.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được trao đổi chia sẻ các nội dung như: Công tác tuyên truyền vận động và giải pháp hiệu quả trong xóa bỏ tập tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; vai trò của phụ nữ trong bảo tồn các môn thể thao truyền thống; giải pháp tuyên truyền để hạn chế và từng bước ngăn chặn, xóa bỏ bạo lực gia đình trong đời sống xã hội....
Đây là cơ hội để các xã trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo; đồng thời, nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại trong cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.