Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kinh doanh bảo hiểm còn nhiều bất cập với người dân vùng sâu, vùng xa

Minh Thu - 12:24, 26/10/2021

Đó là ý kiến của một số đại biểu trong phiên thảo luận tổ 2, ngày 25/10/2021 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Quốc hội.


Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Trao đổi, thảo luận tại tổ, đại biểu Y Thanh Hà Niê K’đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Sau 20 năm triển khai, Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Một số quy định trong Luật hiện không đồng bộ với các Luật, Bộ luật mới, thiếu những quy định đặc thù bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể tham gia...

Với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, chất lượng bảo hiểm chưa cao, phí bảo hiểm chưa tương xứng, hoạt động của đại lý KDBH chưa chuyên nghiệp. Hợp đồng bảo hiểm còn nhiều điều khoản bất cập, khó để người dân thực hiện, nhất là những người yếu thế, người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Do vậy, việc hoàn thiện thể chế dự án Luật KDBH để xây dựng, phát triển thị trường bảo hiểm là cần thiết, tạo cơ chế, hành lang pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng tình với ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) khẳng định: Tính thực thi của Luật KDBH, trong sự tương hỗ với các loại hình bảo hiểm còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần có căn cứ pháp lý để triển khai các tổ chức kinh doanh dịch vụ này, nhất là việc bảo vệ nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, nông dân, người dân vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình thực hiện, có nhều hành vi của các cá nhân đi bán bảo hiểm rất khó kiểm soát, khó đánh giá, dễ dẫn đến tranh chấp, gây nhiều phức tạp trong hợp đồng bảo hiểm. Phải có chế tài, nghiêm cấm hành vi này vào luật; có quy định về đạo đức của người KDBH.

Còn theo đại biểu Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng), sau hai lần sửa đổi, những nội dung căn bản và kết cấu Luật KDBH không thay đổi, chỉ là đáp ứng các cam kết mà Việt Nam tham gia với cộng đồng thế giới. Dù Luật KDBH đã phát huy trong thực tiễn, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý, góp phần phát triển cho hoạt động KDBH, nhưng hiện nay, còn có những bất cập, những thay đổi về kinh tế-xã hội, mức độ nhận thức của người dân, Luật KDBH không còn đồng bộ với hệ thống pháp luật chung, cần thiết phải sửa đổi để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng KDBH và đối tượng mua bảo hiểm. 

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.