Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Bảo hiểm y tế - Giải pháp cơ bản giải quyết khó khăn trong khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu, vùng xa

Minh Thu - 19:50, 22/10/2021

Bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp cơ bản giải quyết khó khăn trong khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xã, vùng đặc biệt khó khăn. Tiến tới BHYT toàn dân cần nhiều giải pháp đồng bộ... Đó là những vấn đề đặt ra tại phiên thảo luận về việc chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu thảo luận tại tổ chiều 22/10
Đại biểu thảo luận tại tổ chiều 22/10

Theo báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020 cho thấy: Việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Các tỉnh, thành phố cũng gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh... Một số địa phương được giao dự toán chưa sát với thực tế chi phí khám chữa bệnh BHYT....

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Y Thanh Hà Niê K’đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Để đẩy mạnh tiến tới thực hiện BHYT toàn dân, cần có giải pháp tăng độ bao phủ BHYT đối với nhóm hộ gia đình, có giải pháp hoàn thành đầu tư, nâng cấp Trạm Y tế xã, tháo gỡ khó khăn đối với cơ sở y tế công lập.

Còn theo đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai): BHYT là trụ cột lớn, căn bản của an sinh xã hội, bảo đảm tính lâu dài khi người lao động về già. Đối tượng càng mở rộng thì mục tiêu an sinh càng sớm đạt được. Vì vậy, cần mở rộng BHYT toàn dân hướng tới sửa Luật BHYT trên tinh thần tự nguyện, chuyển hướng trên nền tảng mua BHYT cho nhóm đối tượng người dân. Theo xu thế năm 2021 và những năm tiếp theo, chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng, dịch vụ hiện đại, nên chi phí y tế rất đắt, vì vậy người dân phải có BHYT mới giải quyết khó khăn. Vì vậy BHYT là giải pháp cơ bản, đặc biệt đối với người dân ở vùng sâu, vùng xã, vùng ĐBKK.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý cho biết: Trong hai mục tiêu lớn của Nghị quyết 68 chính là thay đổi cơ sở hạ tầng và BHYT. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 22,1% số Trạm y tế xã trên toàn quốc chưa được đầu tư kiên cố, 40% cần cải tạo, xây mới, đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt, trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia không có hạng mục hoặc rất hạn chế đầu tư cho Trạm Y tế.

Trao đổi tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: BHYT là chính sách đặc biệt ưu việt của Nhà nước ta trong việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuy Việt Nam khởi động BHYT chậm so với các nước, nhưng độ bao phủ BHYT khá nhanh, với nhiều giải pháp (độ bao phủ hiện đạt trên 90,85%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại phiên họp tổ về chính sách BHYT
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại phiên họp tổ về chính sách BHYT

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, khi mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ được mở rộng, mức hưởng cao hơn mức đóng. Đặc biệt, ngành Y tế đã có đổi mới trong việc công khai minh bạch, quyết toán, giám sát BHYT khi tất cả cơ sở y tế được kết nối, thông tuyến. Đồng thời, xác định BHYT là trụ cột đối với an sinh xã hội, đặc biệt đối với người nghèo, người yếu thế.

Bộ Y tế đang Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật BHYT (sửa đổi) với tinh thần đảm bảo tính bền vững, mở rộng mức độ tham gia của người đóng BHYT, phủ rộng toàn bộ dân số, chia sẻ gánh nặng rủi ro với cộng đồng. Đảm bảo người dân được khám sức khỏe định kỳ, chẩn đoán sớm để điều trị bệnh hiệu quả. Chú trọng cung ứng, mở rộng dịch vụ y tế để người dân tiếp cận, mở rộng phạm vi kết nối khám chữa bệnh đến tuyến huyện, tạo sự thống nhất, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa./.