Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những vấn đề xã hội đáng quan tâm

Hoàng Quý - 19:50, 31/10/2023

Chiều 31/10, trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định thời gian qua, có nhiều khó khăn thách thức nặng nề, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự đồng hành phối hợp của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm đã đạt được kết quả khá toàn diện.

Đại biểu Trần Văn Khải (ĐBQH tỉnh Hà Nam)
Đại biểu Trần Văn Khải (ĐBQH tỉnh Hà Nam)

Đại biểu Trần Văn Khải (ĐBQH tỉnh Hà Nam): Cần giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Đại biểu (ĐB) Trần Văn Khải cơ bản nhất trí với nội dung của báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát KT-XH năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Tuy nhiên, ĐB cho biết, trong 3 năm vừa qua, chúng ta đều chưa hoàn thành chỉ tiêu về năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ được nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này.

ĐB nêu rõ, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian vừa qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực trạng về nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực, đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát nhu cầu thị trường…

Tuy xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta vẫn còn thiếu hụt. ĐB cho rằng cần có chính sách đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang là rào cản với sự phát triển nhân lực chất lượng cao.

ĐB kiến nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi trong việc phát triển nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động. Quốc hội cần sớm có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động, năng suất lao động, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội ban hành chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng)
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng)

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng): Sớm đầu tư và vận hành kho dự trữ lúa gạo ở các vùng miền

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Tô Ái Vang cho biết, thời gian qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương nghị quyết thể hiện sự quan tâm rất lớn đến chính sách Tam nông. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tìm ra nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả để sản lượng lúa cả nước duy trì sản lượng tốt, đặc biệt năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu, song thu nhập từ nông nghiệp vẫn còn có sự chênh lệch giữa các vùng; thu nhập của nông dân vẫn còn thấp trước yêu cầu của cuộc sống.

Về chất lượng cuộc sống nông dân, ĐB khẳng định, với quy trình trồng lúa có 8 bước cơ bản, từ việc chọn giống, chuẩn bị đất trồng, chuẩn bị hệ thống tưới tiêu, gieo hạt lúa, quá trình chăm sóc cây lúa phát triển, đánh giá sẵn sàng thu hoạch, phương pháp thu hoạch lúa và quá trình lưu thông tiêu thụ. Ở mỗi bước có nhiều công đoạn ứng với mỗi công đoạn là khó khăn mà nông dân gặp phải…

Từ thực trạng trên, ĐB kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiếp tục khuyến khích nhà khoa học nông nghiệp chuyển gen công nghệ sinh học công nghệ lai tạo phát triển giống cây trồng mới cho năng suất cao, chịu hạn bạn sâu bệnh, được kiểm định và quản lý chặt chẽ, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn và cấp mã vùng trồng, công bố chất lượng kết hợp chỉ dẫn địa lý để nông dân có sự lựa chọn.

Sớm đầu tư và vận hành hệ thống kho dự trữ lúa gạo với đầy đủ trang thiết bị đặt tại 3 vùng trồng lúa tập trung của cả nước, để bảo đảm chất lượng lúa gạo sau thu hoạch. Có chính sách trợ giá để bình ổn giá lúa gạo cho nông dân, mức giá thu mua cần tính đủ các mức chi phí thành phần, bảo đảm nông dân có lãi trên 30%.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam)
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam)

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam): Cần có kịch bản ứng phó kịp thời cho các vấn đề phát sinh

Phát biểu ý kiến, ĐB bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình trước Quốc hội. Trong năm 2023, KT-XH nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, chúng ta phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những yếu kém, bất cập từ chính nội lực bên trong…

Song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành có hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, chúng ta đã vượt lên khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; hoạt động của doanh nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đã có chiều hướng thuận lợi hơn; bội chi nợ công trong giới hạn cho phép; đời sống Nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được củng cố tăng cường; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả nổi bật, uy tín, vị thế của chúng ta ở thị trường quốc tế ngày càng được nâng cao…

Trong thời gian tới, ĐB đề nghị Chính phủ chủ động có kịch bản ứng phó và những chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời với những vấn đề phát sinh; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là các điều kiện thủ tục hành chính cho vay để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận hơn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản; quan tâm và có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam phát triển để hướng tới một nền kinh tế tự chủ, phát triển ổn định và bền vững.