Ấp ủ lớn
Trong căn phòng nhỏ, chàng trai giới thiệu rất nhiều mẫu thời trang do anh thiết kế. Từ chất liệu thổ cẩm, anh tìm tòi, khai thác, biến tấu họa tiết, màu sắc, kết hợp với các chất liệu khác trên cùng mẫu thiết kế, tạo nên những bộ sưu tập thanh thoát, phóng khoáng, mang đậm dấu ấn vùng đất, con người Tây Nguyên.
Theo nhà thiết kế K’Jona, số đông có thể không thường xuyên sử dụng một chiếc áo hay váy đậm đặc màu sắc, chất liệu thổ cẩm, nhà thiết kế trẻ kết hợp thổ cẩm với loại vải hiện đại, tạo thêm những điểm nhấn thổ cẩm để mang lại hơi thở tươi mới hơn. Chưa dừng lại ở đó, những thiết kế trang phục nhẹ nhàng, tôn dáng dành cho người mặc sẽ giúp người sử dụng thêm tự tin.
Trong 3 bộ sưu tập của riêng mình gồm “Cau Ur Niăm”, “Ur Bon Dăng” và “Ngai Tom Bau”, anh K’Jona tâm sự: “Tôi muốn làm một cái gì đó cho Tây Nguyên, nhất là những người trẻ nơi đây để họ không xa rời bản sắc, truyền thống. Thiết kế váy và trang phục đương đại trên nền chất liệu thổ cẩm của mình, tôi muốn gửi gắm tới người trẻ, nhất là con em đồng bào dân tộc Tây Nguyên về những giá trị văn hóa dân tộc”.
Để thực hiện các bộ trang phục, hàng tuần ngoài thời gian thiết kế, anh K’Jona còn lang thang khắp buôn, làng, vùng đất có nghề dệt thổ cẩm phát triển như Đam Pao (Đạ Đờn, Lâm Hà), Păng Tiêng (xã Lát), Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương), hay một số khu vực ở Gia Lai, Đắk Lắk để tăng sự đa dạng trong hoa văn, họa tiết sản phẩm.
“Làm đa dạng mặt hàng từ thổ cẩm cũng là cách để sản phẩm này của bà con được tiêu thụ nhiều hơn. Với tôi, sẽ rất khó nếu thổ cẩm Tây Nguyên chỉ giới hạn quanh trang phục truyền thống, váy áo, khăn khố, mà cần để nó được “sống” giữa nhịp sống hiện đại. Bằng cách này, tôi đang triển khai thiết kế đưa từng miếng thổ cẩm phối hợp trong vật dùng hàng ngày, như khăn trải bàn, ghế sofa, đế đựng ly chén, gối…, góp phần thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc địa phương”, anh K’Jona bộc bạch.
Đi xa để trở về
Là người con của buôn làng Cơ Ho, sinh ra và lớn lên tại vùng đất Lâm Đồng, năm 2011, sau khi tốt nghiệp Khoa Thiết kế thời trang, Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, nhà thiết kế K’Jona sang Malaysia làm trợ lý cho nhà thiết kế Ridzuan Bohari tại thủ đô Kuala Lumpur.
Trong gần 10 năm ở Malaysia, anh cùng nhà thiết kế Ridzuan Bohari đã tham gia nhiều tuần lễ thời trang tại Kuala Lumpur (Kuala Lumpur Fashion Week) vào các năm 2013, 2014, 2016 và Tuần lễ thời trang Malaysia 2015 (Malaysia Fashion Week 2015).
Làm việc trong môi trường sôi động, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng anh K’Jona vẫn ấp ủ làm được điều gì đó đối với những tấm thổ cẩm của dân tộc mình, rộng hơn là với thổ cẩm Tây Nguyên. “Thời gian làm việc ở nước ngoài đã giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Năm 2019, tôi quyết định về Đà Lạt - nơi cộng đồng người Cơ Ho sinh sống - để biến ước mơ đưa thổ cẩm vào cuộc sống”, anh K’Jona chia sẻ.
Anh quyết định khởi nghiệp mở cửa hàng áo cưới. Sản phẩm ban đầu cũng như những bộ váy cưới, veston thông thường. Về sau, lấy cảm hứng từ những họa tiết thổ cẩm của người Cơ Ho, anh bắt đầu thực hiện những sản phẩm kết hợp hiện đại và truyền thống.
“Trang phục truyền thống của người Tây Nguyên khá đơn giản, chỉ có chân váy và áo cổ tròn. Thổ cẩm trao tặng trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi có khi chỉ gấp cất đi, không sử dụng được nhiều. Ngày nay có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, nếu mặc nguyên bộ thổ cẩm, từ trên xuống dưới, sẽ trông rất nặng nề nên tôi quyết định ưu tiên sử dụng một phần thổ cẩm trong các thiết kế của mình”, anh K’Jona cho biết.
Bằng cách làm này, từ chất liệu vải thô, cứng, màu sắc tối của thổ cẩm kết hợp với các chất liệu khác (như vải cotton, vải lưới, vải voan, nhung, nỉ, da, vải tafta) và kỹ thuật cơ bản xếp ly, cắt cúp, tạo điểm nhấn ở những chỗ cần thiết, anh K’Jona tạo hàng loạt sản phẩm tinh tế được sử dụng thường xuyên như váy thông thường, váy cưới, áo khoác, gile, trang phục trẻ em…
Khách đặt may trang phục thổ cẩm của anh K’Jona chủ yếu là bạn trẻ, nhóm gia đình may trang phục cho sự kiện quan trọng như cưới hỏi, những cộng đồng người bản địa và du khách ưa thích chất liệu thổ cẩm trên trang phục mà vẫn đảm bảo tính thời trang, ứng dụng thực tiễn cao.
Anh K’Jona cho biết thêm: “Đối tượng tiếp theo tôi muốn hướng tới là du khách nước ngoài. Mỗi sản phẩm được khách quốc tế sử dụng, khi về nước của họ sẽ là những đại sứ văn hóa tự nhiên nhất. Câu chuyện liên quan đến trang phục thổ cẩm Tây Nguyên, Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn, thực tế hơn”.
Anh K’Jona đang trong hành trình mở lối thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Cơ Ho của mình. Chúng tôi tin, với khát vọng và ấp ủ ấy, chàng trai ấy sẽ làm được!