Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Đức Tuy phát biểu tại Hội nghịKon Tum là tỉnh miền núi, biên giới; toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố, với 102 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó, có 13 xã biên giới, 52 xã khu vực III). Dân số toàn tỉnh khoảng 593.000 người, với 43 dân tộc, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 54% dân số.
Qua 4 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cuộc vận động đã thực sự đi vào đời sống của đồng bào DTTS, gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước và các chương trình do các cấp, ngành phát động, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia đông đảo của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự Hội nghịToàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 1.248 mô hình hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thu hút 23.636 lượt người tham gia. Có 16.731 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 81% số hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS) đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, tự lực vươn lên thoát nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; gần 70% số hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình; hơn 67% hộ nghèo và cận nghèo người DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Đến cuối năm 2024, có 3.540 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo và 967 hộ đồng bào DTTS thoát cận nghèo. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động còn gặp một số tồn tại, hạn chế, như tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS còn cao; chất lượng hoạt động của một số mô hình còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao; một số địa phương chưa chú trọng đến công tác xây dựng mô hình điểm; việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ thực hiện Cuộc vận động gặp nhiều khó khăn...
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận độngĐể tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Đức Tuy đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 08, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về chủ trương triển khai Cuộc vận động Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững", bảo đảm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS, gắn với xây dựng thôn, làng nông thôn mới và xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.
Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phân công cán bộ, đảng viên, cá nhân tiêu biểu trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để vươn lên thoát nghèo bền vững; giúp bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất; tính toán chi tiêu hợp lý trong sản xuất và tiêu dùng... Xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên tại cơ sở và địa bàn dân cư nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” năm 2024.