Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) hiện có 222 hộ, hơn 700 khẩu; trong đó, có 178 hộ dân tộc Rơ Măm sinh sống, với 536 khẩu. Những năm qua, Đảng ủy xã Mô Rai đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với dân tộc Rơ Măm. Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 744, ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh về ban hành Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 có tổng mức vốn đầu tư hơn 19 tỷ đồng.
Đến nay, UBND tỉnh đã giao gần 6,6 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đường nội thôn làng Le; nâng cấp, sữa chữa Nhà rông văn hóa làng Le; tổ chức 1 Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất cây trồng, vật nuôi cho 80 hộ gia đình tại làng Le; hỗ trợ giống bò sinh sản cho 30 hộ nghèo dân tộc Rơ Măm.
Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” và tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn làng Le được thực hiện tích cực. Ban Nhân dân làng Le đã tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân dần xóa bỏ tư duy sản xuất, canh tác manh mún, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, biết tích lũy nguồn vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất như đã biết trồng cây cao su, cây điều... có giá trị kinh tế cao. Đã xóa bỏ hoàn toàn 4 hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Rơ Măm được bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị. Hiện trong làng có 3 bộ cồng chiêng của tập thể, 34 bộ cồng chiêng của cá nhân và khoảng trên 80 người biết đánh cồng, chiêng...
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đời sống Nhân dân làng Le không ngừng được cải thiện và nâng cao. Hiện Nhân dân làng Le trồng gần 50 ha lúa, 50 ha mì, hơn 140 ha cao su, 108 ha điều, 3,5 ha cà phê và 6 ha cây ăn quả. Tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 1.800 con. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25,5 triệu đồng/năm; số hộ nghèo là 46 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 20%; số hộ cận nghèo là 27 hộ, chiếm tỷ lệ 12%. Làng đã đạt 4/10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tổng số con, em trong làng đã và đang được đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên là 9 người.
Trao đổi với Nhân dân Làng Le, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khẳng định, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc và nhất là đồng bào dân tộc rất ít người Rơ Măm.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang biểu dương và ghi nhận tinh thần nỗ lực, cố gắng vươn lên xây dựng được cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào Rơ Măm ở làng Le. Đồng thời, mong muốn đồng bào Rơ Măm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực lao động, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững; tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm và định hướng phát triển du lịch trong tương lai; sớm xóa bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu còn tồn tại trong làng.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị cả hệ thống chính trị phải có trách nhiệm chăm lo đời sống của đồng bào Rơ Măm, tiếp tục triển khai kịp thời, đầy đủ các Chương trình mục tiêu quốc gia, giúp nâng cao đời sống đồng bào Rơ Măm; quan tâm sớm hỗ trợ xây dựng nhà mới cho các hộ gia đình đang khó khăn về nhà ở; huyện, xã quy hoạch mở rộng diện tích đất ở và sớm giải quyết cho các hộ còn thiếu đất ở; hướng dẫn Nhân dân cải tạo vườn tạp, xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Chính quyền huyện, xã quan tâm định hướng thành lập các Hợp tác xã và liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để giúp bà con có thêm việc làm và tăng thêm thu nhập; tiếp tục làm việc với các Công ty Cao su trên địa bàn xã giải quyết việc làm cho những người dân ở trong thôn chưa có việc làm. Huyện phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu mỗi năm làng Le có 10 hộ thoát nghèo, đạt ít nhất 2 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đến năm 2025 làng Le đạt làng nông thôn mới.