Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Kon Tum: Hơn 102.000 học sinh DTTS phấn khởi dự Lễ khai giảng năm học mới

Ngọc Chí - 08:48, 05/09/2024

Cùng với học sinh cả nước, sáng 5/9, hơn 102.000 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Kon Tum háo hức đến trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Thầy và trò ở vùng cao Kon Tum quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Ngay từ sáng sớm, các em học sinh DTTS trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã đến trường để dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025
Ngay từ sáng sớm, các em học sinh DTTS trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã đến trường để dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025

Tại huyện khó khăn Tu Mơ Rông (Kon Tum) không khí khai giảng năm học mới diễn ra thật vui tươi, ngay từ sáng sớm, các em học sinh DTTS mặc những bộ quần áo mới phấn khởi đến trường dự Lễ khai giảng.

Em A Bách (dân tộc Xơ Đăng) – Học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Hôm nay dự Lễ khai giảng năm học mới em rất vui, được gặp lại bạn bè, thầy cô. Em cũng được bố mẹ quan tâm sắm cho quần áo mới, sách vở, đồ dùng học tập đầy đủ. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để đạt thành tích cao trong năm học 2024 – 2025.

Các em học sinh Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông phấn khởi dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025
Các em học sinh Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông phấn khởi dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025

Thầy giáo Lê Văn Hoàng – Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết: Năm học 2024 - 2025, huyện Tu Mơ Rông có 23 trường Mầm non và Phổ thông. Tổng số trẻ em, học sinh là 8.394 (trong đó, học sinh DTTS là 8.128 em). Cơ sở vật chất được trang bị, sửa chữa đảm bảo công tác dạy và học. Với sự quan tâm của các cấp, ngành thì 100% học sinh đều có sách vở, đồ dùng học tập. Hôm nay các em đều đến trường dự khai giảng trong không khí vui mừng và phấn khởi.

Năm học mới 2024-2025, toàn tỉnh Kon Tum có gần 171.000 học sinh đến trường ở tất cả các cấp học, tăng hơn 3.000 học sinh so với năm học 2023-2024; trong đó, có hơn 102.000 học sinh là người DTTS, chiếm gần 60%. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và lên phương án hỗ trợ học sinh người DTTS, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện để bước vào năm học mới.

Học sinh Trường PTTH DTNT tỉnh Kon Tum đến trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025
Học sinh Trường PTTH DTNT tỉnh Kon Tum đến trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025

Toàn tỉnh đã huy động được 11.710 bộ sách giáo khoa, trong đó bậc THPT 1.360 bộ, THCS 4.446 bộ và Tiểu học là 5.904 bộ để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Phạm Thị Trung cho biết: Hiện toàn tỉnh có 6.150 phòng học; trong đó được đầu tư xây mới bổ sung 151 phòng và 290 phòng được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa. Trang thiết bị dạy học đã được các trường học bổ sung, đáp ứng 45% so với thiết bị tối thiểu quy định. Sách giáo khoa, dụng cụ học tập của học sinh được trang bị từ nhiều nguồn, đảm bảo học tập. Nhìn chung cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đảm bảo để phục vụ công tác dạy học, đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025
Trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025

Lễ khai giảng năm học mới 2024- 2025 được các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đồng loạt tổ chức từ 7 giờ 30 phút. Tất cả các trường đều tổ chức Lễ khai giảng với thời gian không quá 45 phút. Phần Lễ diễn ra trang trọng và phần Hội vui tươi, ý nghĩa.

Một năm học mới bắt đầu, thầy và trò vùng cao tỉnh Kon Tum quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt, gặt hái nhiều kết quả quan trọng, nhất là tiếp tục nâng cao chất lượng đối với học sinh vùng DTTS. Giúp các em nắm vững kiến thức và tiếp tục theo học những bậc học cao hơn, sau này mang kiến thức về xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.