Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Kon Tum: Người dân lo lắng vì động đất

Đại Dương - 16:08, 06/05/2022

Nhiều tháng nay, người dân ở huyện Kon Plông (Kon Tum) không khỏi lo lắng khi liên tiếp các trận động đất xảy ra, đặc biệt là vào tháng 4/2022, khi mỗi ngày liên tiêp xảy ra hàng chục trận động đất. Bà con mong muốn, các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm đưa ra những thông tin chính xác về vấn đề này để người dân an tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống .


Khu tái định cư tại xã Đăk Tăng là một trong những khu dân cư bị ảnh hưởng bởi động đất
Khu tái định cư tại xã Đăk Tăng là một trong những khu dân cư bị ảnh hưởng bởi động đất

Người dân ở các xã vùng cao như Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Bút và Đăk Tăng, huyện Kon Plông, nhiều tháng nay luôn phải gánh chịu sự rung lắc liên tục của các trận động đất. Khi mới xuất hiện các trận động đất, bà con cũng hoảng loạn chạy ra ngoài. Đã có những thiệt hại ban đầu do các đợt rung lắc diễn ra liên tiếp.

Chúng tôi tìm về với thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, đây được xem là vùng tâm chấn diễn ra hàng loạt các vụ động đất. Tại đây, nhiều bà con vẫn đang sống trong cảnh thấp thỏm vì động đất liên tiếp xảy ra, nhất là trận động đất mạnh 4.5 độ Richter vào ngày 18/4 trên khu vực các xã trên.

Theo ông A Hương,Trưởng thôn Đăk Tăng cho biết: "Trong thôn có hơn 160 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu. Bà con ở đây liên tục phải hứng chịu những cơn động đất. Trận nhẹ thì rung lắc vài giây, trận lớn thì rung chuyển mặt đất, khiến đồ đạc trong nhà bị rơi xuống hết. Người dân ở đây cũng hoang mang vì nếu động đất lớn, thì bà con không biết chạy đi đâu, khắp bốn phía rừng đều là núi bao quanh".

Người dân lo lắng khi sống bên khu vực tâm chấn
Người dân lo lắng khi sống bên khu vực tâm chấn

Rung lắc, chấn động là những gì chị Y Xuân (thôn Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) miêu tả: Có lần, hai vợ chồng đang ngủ thì cảm nhận thấy mặt đất rung chuyển, đồ đạc rớt hết xuống nhà. Sợ động đất sập nhà nên cả gia đình ôm nhau chạy ra ngoài sân để tránh. Chị Xuân cho biết, từ xa xưa, chúng tôi sống ở đây rất bình yên và không biết động đất là gì. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây thì các trận động đất liên tiếp xảy ra cả ngày lẫn đêm.

"Có ngày đã xảy ra hơn 8 trận động đất, lúc mạnh, lúc nhẹ. Sống lâu dần, khi thấy mặt đất rung chuyển, thì mình biết là động đất nên cũng không sợ như xưa. Nếu tình hình này liên tục xảy ra, thì mình cũng rất lo và mong chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn cho bà con về cách xử lý khi động đất xảy ra", chị Y Xuân cho biết thêm.

Theo báo cáo của UBND huyện Kon Plông, vào ngày 4/1/2022, trên địa bàn huyện có 5 xã gồm: Ngọc Tem, Đăk Tăng, Đăk Nên, Đăk Ring và Măng Bút... bị ảnh hưởng bởi dư chấn động đất từ khoảng 3,6 - 4,5 độ Richter. Thời gian kéo dài khoảng 3 giây.

Sau khi dư chấn động đất đi qua không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, tại xã Đăk Nên có nhiều dư chấn có tiếng nổ lớn trong lòng đất, làm rung chuyển nhà cửa của người dân,  trụ sở làm việc của xã và các điểm trường học…

Tại trường PTDTBT TH Đăk Nên, có 4 phòng ở bán trú học sinh và một phòng ở giáo viên rung chấn quá lớn, đã làm nứt, toác vách tường, hiện tại học sinh không ở được. Trường tiểu học Đăk Ring (xã Đăk Ring) bị nứt vách tường các khu vực phòng hiệu trưởng và các phòng học trong khuôn viên nhà trường, khu vực hành lang có nhiều vết nứt, đường kính từ 1- 3 mm.

Một vị trí trong nhà dân bị nứt do ảnh hưởng của động đất
Một vị trí trong nhà dân bị nứt do ảnh hưởng của động đất

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng: "Thời gian gần đây, xã cũng báo cáo về tình hình động đất trên địa bàn. Những tháng trước thì nhẹ, nhưng đến tháng 4, thì người dân đã cảm nhận được sự rung lắc mạnh. Hiện nay, chưa có thiệt hại về tài sản và tính mạng gì. Tuy nhiên, bà con cũng hoang mang, lo lắng vì tần suất động đất liên tục".

"Trước tần suất về động đất cả về số lượng và cường độ rung chấn cao, chính quyền cũng mong muốn cơ quan chức năng, chuyên ngành cấp trên, sớm tìm ra nguyên nhân, giải pháp để bà con yên tâm, tiếp tục lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Hiện tại, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, với người dân khi ứng phó với các cấp động của động đất", ông Bay cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho Nhân dân biết các biện pháp ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi xảy ra động đất. Bên cạnh đó, kịp thời thông tin, kết quả công bố của các cơ quan chức năng về nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất, để chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động ứng phó phù hợp, tránh gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Sâu trong khu rừng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có một cây Sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng chức năng luân phiên bảo vệ. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.