Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

H.Thanh- Thanh Huyền - 17:36, 22/10/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 22/10, Quốc hội họp trực tuyến, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, điều hành phiên thảo luận.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, khoản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và rõ ràng của các quy định.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tập trung thảo luận vào một số nội dung như: xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định; cơ quan xử lý trường hợp vi phạm hành chính...

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, cho ý kiến về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, đối với người nghiện ma túy, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai tán hành với phần giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này. Ngoài ra, việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng chống ma túy xác định. Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ xác định trình tự thủ tục, thầm quyền là đủ.

Còn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, Ban soạn thảo dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính có chỉnh sửa Điều 90 là bổ sung biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì nên bỏ. Bởi vì nếu người 18 tuổi trở lên bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định ở một xã, phường nào đó thì rất khó quản lý. Ngoài ra, khi sửa đổi Điều 140 đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ 14 đến 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, tự nguyện khai báo thì giao cho gia đình quản lý là không khả thi. Vì có những gia đình chưa hiểu rõ, sâu sát về tác hại của việc sử dụng ma túy nên những đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy cần phải có những cán bộ giáo dục, giáo dưỡng chuyên môn quản lý, tư vấn tâm lý.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) nêu ý kiến về việc xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm ở cấp huyện này nhưng lại cư trú ở địa bàn khác và thuộc phạm vi ở một tỉnh miền núi, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh, việc đi lại gặp khó khăn nên các cá nhân, tổ chức không có điều kiện chấp hành xử phạt tại nơi bị xử phạt. Do vậy, việc xử phạt được chuyển đến cơ quan xử phạt cùng cấp – nơi có cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để thực hiện thi hành xử phạt.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính đối với môi trường, trật tự an toàn xã hội…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 23 đại biểu đóng góp, 9 đại biểu tham gia tranh luận và một số ý kiến đóng góp khác. Nhìn chung, các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu đối với Dự án Luật. Bên cạnh đó, còn một số còn nội dung ý kiến khác nhau đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải trình, làm rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần bảo đảm thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan quan đến Dự thảo Luật và đảm bảo triển khai Luật đúng thời điểm thi hành luật…

Cũng trong ngày 22/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.