Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thanh Huyền - 18:25, 09/11/2020

Ngày 9/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, nhiều vấn đề bức xúc như: Thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu (BĐKH); công tác cán bộ; đạo đức xuống cấp; cải cách hành chính; vấn đề y tế, giáo dục… tiếp tục được “mổ xẻ”, phân tích, tìm giải pháp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Đến năm 2025, 100% người dân được sử dụng điện 

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tỷ lệ người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ cấp điện lưới quốc gia cho tất cả mọi người dân, là một nhiệm vụ ưu tiên. Quyết định 1740/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định, đến hết năm 2020, phải bảo đảm 100% người dân có điện lưới quốc gia; trong đó gần 9.000 thôn, bản phải có điện lưới. Còn những vùng khó khăn phải dùng điện tái tạo nếu không có điều kiện tiếp cận lưới điện.

Bộ trưởng cho biết ngay từ đầu, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có dự trù nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho nhiệm vụ này, từ 2016 - 2018 đã bố trí hơn 4.700 tỷ đồng. Đến năm 2018, đã đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia nhưng số thôn, bản thì không đạt, lý do là vướng trần nợ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã báo cáo cấp có thẩm quyền chưa tiếp tục triển khai Chương trình này. Đến nay, nợ công đã ở mức an toàn, thì các cơ quan báo cáo Quốc hội tiếp tục triển khai và huy động hơn 21.000 tỷ đồng để đến năm 2025, thực hiện được mục tiêu cấp điện cho 100% người dân, kể cả miền núi và hải đảo. 

Trả lời ĐBQH về xây dựng công trình ứng phó BĐKH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm, sử dụng nguồn dự phòng, tăng thu, vượt thu, kết dư… để thực hiện. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đến nay đã tổng hợp khoảng 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu, các địa phương đang triển khai. 

Nhiều chính sách ưu tiên cán bộ, viên chức là người DTTS

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ không ban hành nghị định riêng về nội dung này, mà lồng ghép vào các nghị định về tuyển dụng, sử dụng, cán bộ, viên chức. Ví dụ: Người DTTS được cử tuyển đi học đại học, xét tuyển vào biên chế; Chính phủ cũng quy định rõ tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức trong tổng số biên chế; người DTTS khi tuyển dụng được miễn ngoại ngữ và tin học, thi tuyển thì được cộng điểm ưu tiên, miễn thi ngoại ngữ khi thi nâng ngạch; nữ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 60 như nam… Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025”.

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của ĐBQH các vấn đề liên quan tới một bộ phận người lao động về hưu, có mức lương thấp; vấn đề tự chủ đại học và giải pháp để tự chủ đại học thực sự; hiện tượng xuống cấp của đạo đức xã hội...

Về tình trạng người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng khi đi khám bệnh vẫn phải bỏ tiền mua thuốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, để khắc phục vấn đề này, phải duy trì, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT (hiện là 90,7%) và phải tăng mệnh giá. Muốn vậy, thu nhập người dân phải tăng lên, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cũng phải có nguồn thu nhiều hơn. Đây là một quá trình dài hơi, liên tục, phải tiếp tục cố gắng.