Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thanh Huyền - 16:26, 26/11/2019

Những ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nhiều dự án luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt thảo luận tại Hội trường nhiều ý kiến đã tham gia dự án Luật Hòa gải, đối thoại tại Tòa án.

Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại Hội trường ngày 26/11.
Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại Hội trường ngày 26/11.

Ngày 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Trước đó, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cho thấy, các đại biểu rất quan tâm và nghiên cứu kỹ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật này vì tác dụng và ý nghĩa của Luật với cuộc sống. 

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, việc giải quyết tranh chấp bằng cách hòa giải phải phù hợp với đạo đức, phong tục tập quán của người Việt. Với kinh nghiệm từng tham gia hòa giải tại cơ sở, đại biểu cho rằng, khi hòa giải thành công khiến mỗi con người trở nên hiền hòa, nhân hậu, bao dung hơn, từ đó sẽ giảm lượng án phải đưa đến tranh chấp giải quyết tại Tòa.

Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), đối thoại tại Tòa án là một cơ chế mới. Do đó, để Luật sớm đi vào cuộc sống và thu hút sự tham gia của đông đảo các cá nhân, cơ quan, tổ chức thì trước mắt chưa quy định việc thu phí hòa giải, đối thoại là phù hợp. Bởi quy định này thể hiện tính ưu việt của chế độ, của chính sách Nhà nước, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong xã hội và tính nhân văn của pháp luật Việt Nam.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án Nhân dân tối cao sẽ tiếp thu, làm rõ thêm; đồng thời sẽ phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo dự Luật có chất lượng cao và khả thi khi đi vào thực tiễn. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, có nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu cơ quan soạn thảo có thể tiếp thu ngay; tuy nhiên có một số vấn đề cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ, cân nhắc thêm. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến của đại biểu; tiếp tục hoàn thiện, làm rõ bản chất của chế định hòa giải để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.