Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận về công tác cán bộ

Thanh Huyền - 07:50, 25/10/2019

Phương thức tuyển dụng công chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu…là những vấn đề được quan tâm trong phiên thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 24/10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại Hội trường.
Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại Hội trường.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, một số vấn đề không có nhiều thay đổi so với dự thảo đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước kỳ họp. Chẳng hạn, vẫn giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Hay, vẫn giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức” trong hình thức kỷ luật cán bộ, công chức...

Về phương thức tuyển dụng công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Chính phủ đã có Nghị định số 140/NĐ-CP ngày 05/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Do đó, xin Quốc hội tiếp tục giao Chính phủ quy định cụ thể về vấn đề này trong Nghị định để bảo đảm cụ thể, chi tiết, khả thi, phù hợp với thực tiễn…

Đối với việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và giao Chính phủ quy định cụ thể…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, dự thảo luật lần này đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách chức vụ” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng…

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đồng tình với việc cần có biện pháp xử lý những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc vào trong luật, tuy nhiên theo đại biểu, đối với cán bộ bị xóa tư cách, cũng xem xét những hệ lụy đằng sau, ví dụ chế độ hưởng lương theo bảo hiểm xã hội, những quyết định, bằng cấp mà cán bộ đã ký khi còn đương chức có hiệu lực, giá trị như thế nào…

Trong phiên làm việc ngày 24/10, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Báo cáo nghiên cứu khả thi và Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về các nội dung này.