Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Thanh Huyền - 16:00, 25/10/2019

Tiếp theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, ngày 25/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thảo luận tại Hội trường về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, để có thể đáp ứng hết được những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương về vấn đề cải cách tổ chức bộ máy của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì cần có thời gian để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu một cách căn cơ, toàn diện, kỹ lưỡng từ đó đề ra các giải pháp khả thi và đồng bộ.

Với tinh thần tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong lần này, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa hai luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.

Tại phiên họp, các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều vấn đề như: Việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính; quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; phân quyền, phân cấp, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương…

Một số đại biểu cho rằng, cần có quy định cụ thể hơn việc phân quyền, phân cấp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp. Phân cấp phải thực hiện liên tục, thường xuyên và cần sửa đổi quy định hiện hành để tránh tình trạng không rõ ai làm, ai chịu trách nhiệm. Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), xu hướng chung là giảm biên chế, tuy nhiên cần nhìn nhận rõ chỗ nào để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì nên tăng thêm cán bộ…

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, nên quy định Thủ tướng có thẩm quyền quyết định thực hiện thí điểm một số mô hình ở các địa phương. Do chưa có trong quy định của luật nên cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm…

Về quy định xã loại 3 chỉ có một Phó Chủ tịch xã, có đại biểu đề nghị tăng thêm một Phó Chủ tịch xã đối với xã loại 3 vì việc ở cơ sở ngày càng nhiều, tăng thêm một Phó Chủ tịch cấp xã để nâng cao hiệu quả công việc là cần thiết.

Một số đại biểu đề nghị, nên nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND, còn giữ nguyên Văn phòng UBND, nghĩa là vẫn có 2 văn phòng ở cấp tỉnh.

Trong phiên làm việc ngày 25/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.