Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đáp ứng yêu cầu công tác xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới

Thanh Huyền - 15:30, 18/06/2020

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 18/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua một số dự án Luật.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua một số dự án Luật.


Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Sau 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một số nội dung lớn sửa đổi lần này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Chính phủ trình như:  tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng. Bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt của các chức danh. Quy định rõ thời hạn lập biên bản, địa điểm lập biên bản; bổ sung quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính qua phương thức điện tử. Mở rộng phạm vi chủ thể được quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định vi phạm hành chính. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc nâng mức phạt tiền tối đa để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm hành chính, tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, phải bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, và phải được xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; trật tự quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế- xã hội, nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội và cử tri. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách trực tuyến về dự thảo Luật này; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tổ chức các toạ đàm, hội thảo lấy ý kiến thêm của các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật này để báo cáo Quốc hội.

Chiều ngày 18/6, Quốc hội cũng tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Trước đó, ngày 17/6 và sáng 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.