Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Công an tỉnh Gia Lai đưa Nghị định 100 về làng

PV - 10:13, 01/03/2020

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, Công an tỉnh Gia Lai đã có những phương pháp tuyên truyền trực quan, sinh động đến tận cơ sở, thôn, làng, vùng dân tộc thiểu số.

Công an huyện Kong Chro dùng loa di động, tuyên truyền đến từng hộ gia đình người dân tộc thiểu số về tác hại của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Công an huyện Kong Chro dùng loa di động, tuyên truyền đến từng hộ gia đình người dân tộc thiểu số về tác hại của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Qua 2 tháng triển khai quyết liệt, Công an tỉnh Gia Lai đã được những thành quả nhất định, đặc biệt là việc thay đổi nhận thức, tư duy của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. 

Thượng tá Phạm Hữu Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai khẳng định: Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020. Lực lượng chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh việc kiên quyết xử lý vi phạm, Công an tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Gia Lai, từ 1/1 đến 14/2, toàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông, làm chết 21 người, bị thương 43 người. So với thời gian liền kề trước khi triển khai Nghị định 100, tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí: giảm gần 41% số vụ, 40% số người chết, hơn 37% số người bị thương.

Để triển khai Nghị định, ngay từ đầu năm 2020, Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền với chủ đề “Đã uống rượu, bia – Không lái xe” đặc biệt chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Jrai hoặc Bahnar; tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của rượu, bia kết hợp với các buổi họp làng tại nhà rông cho hơn 600 thôn, làng, tổ dân phố thu hút hơn 81.000 lượt người tham gia; tuyên truyền gần 1.000 lượt xe loa lưu động tại các khu vực đông dân cư, phát 6.000 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền, đăng tải gần 100 phóng sự, bài viết trên các trang thông tin đại chúng.

Công an huyện Đăk Đoa đến tuyên truyền và hướng dẫn các chủ quán ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Công an huyện Đăk Đoa đến tuyên truyền và hướng dẫn các chủ quán ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Anh Đinh Chrenh, tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro (Gia Lai) cho biết: Trước đây bà con trong làng thường tổ chức các lễ hội, uống say vẫn đi xe về nhà. Nay được Công an đến tận làng tuyên truyền về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông, tôi và người dân trong làng đã nâng cao ý thức. Nếu làng có lễ hội sẽ đi bộ hoặc nhờ người nhà chở về chứ nhất quyết không điều khiển phương tiện giao thông khi đã có hơi men.

Từ khi triển khai Nghị định 100, Cảnh sát giao thông tỉnh Gia Lai đã phát hiện gần 18.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt hơn 15.600 trường hợp với số tiền gần 8 tỷ đồng; tạm giữ gần 3.000 phương tiện, gần 8.400 giấy tờ và tước 757 giấy phép lái xe. So với trước khi triển khai Nghị định 100, tăng hơn 35% số phát hiện, 40% số xử phạt và gần 99% số tiền xử phạt. Đáng chú ý, trong đó có 800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã bị lực lượng Công an phát hiện và kiên quyết xử lý.

Ông Bưi Yơt, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đăk Đoa cho hay: Nghị định 100 đã tác động rất lớn đến ý thức người dân trong thôn. Những năm trước, mỗi dịp Tết đến, trong thôn, xã thường xảy ra tai nạn vì thanh niên tụ tập uống rượu, tổ chức đua xe, xảy ra đánh nhau. Nhưng Tết năm nay, tại địa phương không xảy ra vụ tai nạn nào.

Tin cùng chuyên mục
Văn Lãng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

Văn Lãng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS

Nhằm nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 2820/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Văn Lãng ngày 30/10/2024 về Thực hiện Tiểu dự án 2, Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.