Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kỷ niệm 20 năm Ngày Báo Dân tộc và Phát triển phát hành số báo đầu tiên: Ân tình, động lực vượt khó

NB Hoàng Định - 08:39, 23/10/2022

Chậm chi trả nhuận bút, chậm lương tháng, chậm trả tiền in ấn, thuê nhà làm trụ sở Toà soạn, và “xoành xoạch” chuyển địa điểm. Đó là “đặc thù nghiệt ngã”, những năm 2010-2016 của Báo Dân tộc và Phát triển (DT&PT). Để vượt lên thách thức, hoàn thành nhiệm vụ, Toà soạn chủ trương, và thực hiện phương châm, lấy ân tình làm động lực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên và kỹ thuật viên Báo Dân tộc và Phát triển
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên và kỹ thuật viên Báo Dân tộc và Phát triển

Những năm 2010-2016, báo chí nước ta có sự “nở rộ” về số lượng. Chỉ tính riêng báo chí in, đã có 858 cơ quan báo, 659 cơ quan tạp chí. Mỗi cơ quan báo, tạp chí lại có nhiều ấn phẩm, xuất bản phẩm khác nhau. Trong bối cảnh đó, là một Tờ báo mới ra đời (năm 2002), Báo DT&PT có nhiều cơ hội, nhưng cũng đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức trong chặng đường của mình.

Thuận lợi lớn nhất, là được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm, lãnh đạo và sự phối hợp của các vụ, đơn vị chức năng của Uỷ ban Dân tộc. Đặc biệt, ở thời kỳ đó, phải khẳng định sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện cho công tác phóng viên của hệ thống cơ quan dân tộc ở các địa phương và sự cổ vũ to lớn của đồng bào các dân tộc, đối tượng công chúng “đặc hữu” của bản báo.

Cho đến nay, cá nhân tôi vẫn cảm nhận, nếu không có cơ quan làm công tác dân tộc ở các địa phương, phóng viên đi cơ sở rất khó có thể phát hiện nhanh, trúng vấn đề, sự kiện trên địa bàn; nhất là khi viết, truyền thông về bản sắc văn hoá cộng đồng các dân tộc. Quá trình làm phóng viên, và sau này là quản lý, điều hành Toà soạn, tôi vô cùng cảm kích, tri ân các anh, chị ở các ban dân tộc tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhà báo Hoàng Xuân Định, nguyên Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển
Nhà báo Hoàng Xuân Định, nguyên Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển

Tôi vẫn rất mong các thế hệ lãnh đạo, phóng viên Toà soạn hãy biết cách quan hệ, khai thác thông tin qua các cơ quan công tác dân tộc. Ở đó, họ là những người nhiệt tâm, chân tình, và đặc biệt, có nhiều người tài giỏi về công tác dân tộc. Chính họ đã và đang phát hiện, tham vấn, đề xuất, bổ sung, xây dựng chính sách dân tộc, chiến lược công tác dân tộc. Đó cũng là “cái kho tri thức” về bản sắc văn hoá dân tộc vô cùng phong phú, tiềm năng, toàn diện và đặc sắc.

Nói đến sự tồn tại của Báo DT&PT, thì điều kiện tiên quyết, cần và đủ, đó là đối tượng công chúng là đồng bào các dân tộc. Đồng bào của chúng ta rất thích đọc chữ ngắn, nội dung phong phú, diễn đạt đơn giản, ai đọc cũng hiểu, có thể bắt chước, dễ làm theo. Bà con cũng rất thích thông tin qua ảnh. Ảnh đẹp, có chiều sâu văn hoá, phác hoạ được chân dung cuộc sống, xã hội, sự cần mẫn, sáng tạo trong lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hoá, dân ca, điệu múa, sự hoà nhập với thiên nhiên, cỏ cây, sông suối, núi rừng… Những tác phẩm ảnh, bài viết phản ánh được nét đặc trưng, thần thái của vùng đồng bào, thì bà con muốn đọc, thậm chí là cất trữ lâu dài.

Tuy nhiên, đội ngũ làm báo (phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý…) của Toà soạn ở thời kỳ đó chưa mạnh, chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao, công tác đào tạo thiếu hệ thống… Do đó, quá trình tác nghiệp của một số phóng viên tỏ ra rất khó khăn, lúng túng. Cũng vì vậy, nhiều bài viết thiếu thông tin, không ấn tượng, thậm chí là nhạt nhoà. Trong khi đó, có những biên tập viên mới vào nghề, kinh nghiệm còn ít, chưa am hiểu sâu sắc bản sắc văn hoá các dân tộc…, nên rất khó nâng tầm tác phẩm gốc.

Đó là những khó khăn, thách thức và trở ngại trước nhất, lớn nhất của Toà soạn.

Khó khăn tiếp theo, ấy là trụ sở của Báo thiếu ổn định. Tôi còn nhớ rõ, từ khi về công tác ở Toà soạn, năm 2005, đến khi chuyển công tác, năm 2016, trong 11 năm, Báo đã 6 lần chuyển trụ sở làm việc (Trần Duy Hưng, Nhân Hoà, Nhân Chính, Đội Cấn, Nguyễn Xiển, Quan Hoa). Sau này Báo còn hai, ba lần chuyển địa điểm nữa, trước khi ổn định ở 349 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), như hiện nay.

Nói vậy, bạn đọc dễ hình dung ngay, khó khăn chồng chất với bản báo như thế nào. Một trong những yêu cầu hàng đầu với một tờ báo, đó là sự ổn định nơi làm việc lâu dài; thậm chí là bất biến. Việc Toà soạn cứ thường xuyên thay đổi địa chỉ, tạo nên sự bất tín với công chúng và cộng tác viên, gây nên những biến động lớn trong tư tưởng, tinh thần, tình cảm của phóng viên, biên tập viên và mọi người trong Toà soạn. Bình thường trong cuộc sống, một gia đình phải chuyển chỗ ở đã rất ngại ngùng, khó khăn, phức tạp, nói chi một toà soạn báo. Kèm theo đó, là sự hư hỏng, xuống cấp, thất lạc đồ dùng, phương tiện, thiết bị tác nghiệp. Nhưng cái ảnh hưởng sâu sắc nhất, ấy là vai trò, uy tín, vị thế của bản báo trong công chúng và đồng nghiệp, như trên đã đề cập.

Do là đối tượng công chúng có tính đặc thù cao, nguồn tin phản ánh trên mặt báo cũng hết sức khác biệt - vùng đồng bào dân tộc và miền núi, nên thường thì phóng viên hễ đi công tác là hàng chục, thậm chí là hàng trăm, đến hàng nghìn cây số. Những chuyến đi như vậy, phóng viên rất mệt mỏi và chi phí tốn kém cho Toà soạn. Đó là khó khăn thường nhật của bản báo.

Ông Hoàng Xuân Định, Nguyên Tổng Biên tập (thứ 2 bên phải) và các cán bộ, lãnh đạo Báo chụp ảnh cùng trẻ em vùng cao trong chuyến công tác tại Hà Giang (ảnh TL)
Nhà báo Hoàng Xuân Định, Nguyên Tổng Biên tập (thứ 2 bên phải) và các cán bộ, lãnh đạo Báo chụp ảnh cùng trẻ em vùng cao trong chuyến công tác tại Hà Giang (ảnh TL)

Để khắc phục khó khăn đó, sau này chúng tôi đã thuyết phục lãnh đạo Uỷ ban cho mở một số văn phòng thường trú tại Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Bắc và Tp. HCM.

Một khó khăn muôn thủa với Báo, đó là kinh phí hoạt động, chi trả nhuận bút, tiền thuê trụ sở làm việc, in ấn báo, lương tháng cán bộ, viên chức, phóng viên, biên tập viên và hợp đồng lao động. Do đặc thù cấp ngân sách cho hoạt động báo chí theo Chương trình 1637, 975…, thường thì kinh phí chậm quý 1 hằng năm, thậm chí là hết quý 2. Cá biệt, có năm chậm tới 7 tháng (năm 2011). Toà soạn đã phải họp thống nhất vay ngân hàng, kêu gọi cán bộ, đảng viên trong Báo cho vay tiền để trang trải, duy trì hoạt động của Toà soạn.

Trong điều kiện khó khăn ấy, Chi bộ và lãnh đạo Toà soạn đã làm tốt công tác tư tưởng, động viên, cổ vũ, khích lệ anh em làm việc. Nhờ vậy, chất lượng tờ báo vẫn ổn định và được nâng lên. Đặc biệt, anh em phóng viên, biên tập viên, cán bộ, nhân viên và hợp đồng lao động trong Toà soạn vẫn trụ vững, chỉ có 2 phóng viên vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt và chuyển đổi công tác. Chúng tôi, những lãnh đạo Chi bộ và Toà soạn rất lấy làm xúc động và tri ân họ, nhất là với những phóng viên, biên tập viên có năng lực, kinh nghiệm, giỏi nghề.

Bài học kinh nghiệm luôn mới, có tính thời sự với Báo ta, theo tôi, ấy là sự hy sinh, cộng đồng trách nhiệm, tâm huyết, sống thân ái, thực tâm, đồng cảm, sẻ chia… Càng trong lúc khó khăn, chúng ta càng nên khơi gợi, phát huy phẩm hạnh ngời tính nhân văn ấy.

Đó cũng là ước muốn, khát vọng, và đôi điều nhắn nhủ của cá nhân tôi tới anh chị em, đồng nghiệp các thế hệ làm báo trong Toà soạn, nhân kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống Báo DT&PT.