Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ký sự Khu 7: Người Cơ Tu đang tính chuyện làm giàu (Bài 2)

Tiêu Dao - Lê Ngọc - 12:46, 17/09/2021

Suốt hành trình dọc 4 xã vùng biên của Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi thấy những bản làng người Cơ Tu khang trang ẩn hiện trong sương mờ. Và nơi ấy, sự no ấm của đồng bào hiện hữu từ những đồng lúa, nương sâm, những cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm.


Những cánh đồng lúa nước ở A Xan, Ch’ơm
Những cánh đồng lúa nước ở A Xan, Ch’ơm

"An cư mới lạc nghiệp", xác định được điều đó từ nhiều năm qua, việc triển khai chính sách định canh, định cư, sắp xếp ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Tây Giang chú trọng. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Trung ương, tỉnh, đến nay huyện đã bố trí cho gần 3.400 hộ dân có chỗ ở ổn định tại 70 điểm định cư.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đã vận động, hướng dẫn đồng bào thay đổi phương thức sản xuất, từ canh tác lúa nương sang lúa nước, phát triển cây sâm ba kích cùng nhiều loại cây trồng khác..., nhờ đó cuộc sống của đồng bào ngày càng ấm no, đoạn tuyệt với đói nghèo.

No ấm nhờ cây lúa nước

Nguyên Phó Chủ tịch xã A Xan Zơ Râm Buôn dẫn chúng tôi len lỏi qua những cung đường đất ngoằn ngoèo dốc trượt. Phía dưới những chân núi là nhiều thung lung nhỏ với ruộng lúa nước cứ trải dài hai bên đường như níu chân những ai có dịp ghé qua “Khu 7 huyền thoại” này.

Giữa trập trùng rừng núi với độ cao trung bình 2.000m so với mực nước biển lại có hơn 868 ha lúa nước 2 vụ, quả là kỳ tích. Trong thôn Ca Nong 1 (xã A Xan), nhà nào có hơn chục sào ruộng chỉ là bình thường. Đất trồng lúa của A Xan hầu hết được quy hoạch để nhân giống lúa đặc sản của đất Tây Giang, là lúa Proong và Xươn, để vừa bảo tồn giống lúa quý của người Cờ Tu, vừa "nuôi" chủ trương phát triển loại gạo đặc sản dẻo thơm này thành hàng hóa.

Xươn là giống lúa gạo quý địa phương của Tây Giang. Loại gạo tẻ này nếu là lúa trồng ở 4 xã Khu 7 Tây Giang thì ăn cơm ngon, thơm, mềm, ngọt, có vị rất riêng không thể lẫn vào đâu được. Thậm chí loại gạo nếp, gạo tám thơm của các vùng khác cũng khó sánh bằng.

“Không biết có phải do Giàng thương người dân quê mình hay không, mà cho đồng bào Khu 7 Tây Giang loại gạo ngon này. Lúa Xươn đã gắn với đồng bào mình cả trăm năm nay rồi. Không phải ở tất cả các xã vùng cao Tây Giang đều trồng được giống lúa này và cho gạo ngon như gạo Xươn của 4 xã Khu 7 này đâu!”, ông Buôn khoe như thế.

Amế Ploong Chơi, người làng Abanh 1 (xã Tr’hy) đang sảy lúa Xươn để loại bỏ những hạt lép
Amế Ploong Chơi, người làng Abanh 1 (xã Tr’hy) đang sảy lúa Xươn để loại bỏ những hạt lép

Ở một huyện vùng biên 8/10 xã có đường biên giới giáp với nước bạn Lào mà làm được lúa nước và không ngừng mở rộng là nỗ lực lớn của đồng bào và chính quyền Tây Giang. Việc cơ giới hóa, thủy lợi hóa sản xuất lúa nước, áp dụng các biện pháp khoa học cũng không còn xa lạ với đồng bào. Nhiều người nói với chúng tôi rằng, Tây Giang là “vựa lúa nước vùng cao”, điều đó có lẽ không quá lời.

Nhờ có lúa nước, lại được sự hướng dẫn của các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng (BĐBP), người dân trong xã bây giờ đã hết đói. Có nơi như thôn Ch’nóc lúa làm ra dư ăn cả năm, bà con còn đem bán. Nhiều thôn còn cam kết… không nhận gạo cứu đói của Nhà nước nữa.

Cùng với lúa nước, những vùng đất đồi trọc là hậu quả của việc đốt rừng làm nương rẫy giờ cũng đã được phủ xanh nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm như quế, bưởi, cà phê… Xã còn có đàn gia súc, gia cầm đã đạt con số trên 20.000 con, trong đó đàn gia súc là 4.230 con, đàn gia cầm trên 18.000 con, toàn xã đã có hơn 80 ao cá, mỗi năm thu hoạch hàng cục tấn cá phục vụ cuộc sống cho các hộ gia đình.

Anh Hiển cùng già làng Br’íu Pố, cũng là người thầy đầu tiên trong trường đời trao đổi về các loại cây dược liệu
Anh Hiển cùng già làng Br’íu Pố, cũng là người thầy đầu tiên trong trường đời trao đổi về các loại cây dược liệu

Làm giàu từ cây sâm ba kích

Ở huyện miền núi Tây Giang này, nhắc đến Già làng Bhríu Pố, người dân xã Lăng ai cũng tự hào, vì Già là người Cơ Tu đầu tiên học hết đại học, làm Chủ tịch UBND xã 2 khóa, rồi làm Bí thư Đảng ủy xã 3 nhiệm kỳ. Không chỉ vậy, già làng Bhríu Pố còn nổi danh là “Vua sâm ba kích”. Ông là người tiên phong phát triển mô hình trồng dược liệu, vươn lên làm giàu và giúp người dân quê hương đẩy lùi đói nghèo.

Là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong những năm 60 của thế kỷ XX, năm 1977, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên chuyên ngành Sinh học, Bh'riu Pố về công tác tại trường cấp III huyện Hiên cũ (nay chia tách thành huyện Đông Giang và Tây Giang). Khi được bầu làm Chủ tịch và sau này là Bí thư, với những kiến thức đã học, ông đã hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước và phương thức sản xuất tiên tiến.

Năm 2006, có đoàn cán bộ nghiên cứu về các loại cây thuốc trên cánh rừng Tây Giang, đã tình cờ phát hiện ra cây sâm ba kích, là một loại thuốc quý, có giá trị kinh tế cao và chỉ mọc ở trong rừng sâu. Lúc bấy giờ, suốt nhiều đêm, Già Pố tự hỏi mình “tại sao không trồng cây ba kích để làm kinh tế?”. Nghĩ là làm, ít lâu sau, ông vác rựa lên rừng tìm cây ba kích để lấy giống về trồng. Lúc đầu, người làng và cả vợ ông đều cho ông là “khùng”.

Thế nhưng, già Pố vẫn quyết tâm lên rừng mang hạt cây ba kích về trồng. Đến cuối năm 2009, Bh'riu Pố đã trồng được 6.000 cây sâm ba kích trên diện tích hơn 1ha. Già trồng, rồi già bán, mỗi cân ba kích có giá vài trăm ngàn đồng, khiến nhiều người kinh ngạc. Từ hiệu quả kinh tế của cây ba kích ở xã Lăng mà người khơi nguồn là già làng Bh’riu Pố, lãnh đạo huyện Tây Giang xác định đây không chỉ là cây thuốc quý, mà còn là “cây xóa đói giảm nghèo” cho địa phương. Vì thế, huyện Tây Giang đã thành lập một Trung tâm công nghệ sinh học để nghiên cứu, nhân rộng mô hình.

Anh Hiển (bên phải) cùng cán bộ nông nghiệp huyện Tây Giang trao đổi về loại sâm ba kích
Anh Hiển (bên phải) cùng cán bộ nông nghiệp huyện Tây Giang trao đổi về loại sâm ba kích

Nếu già làng Briu Pố là người đầu tiên, có công lớn trong việc bảo tồn loại giống cây dượu liệu quý hiếm sâm ba kích cho con cháu đời sau, thì anh Nguyễn Bá Hiển là người nâng tầm cây ba kích lên thành sản phẩm có giá trị cao giúp người dân đổi đời.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hiển nhớ lại những thăng trầm của mình với cây ba kích ở vùng cao này. Tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng loại giỏi, trong khi bạn bè cùng trang lứa ở thành phố lớn xin việc làm, Hiển lại lặn lội gần 200km từ Đà Nẵng lên tìm gặp Già Pố. Nghe Hiển trình bày nguyện vọng, Già Pố đồng ý cho Hiển ở lại nhà và cùng nghiên cứu về cây sâm ba kích.

Sau hơn 10 năm gắn bó cùng núi rừng Tây Giang, Hiển đã trở thành một “ông vua” ba kích mới của vùng này, kế thừa và cùng “Vua ba kích Bh’riu Pố” nhân giống ba kích với số lượng cây giống lên tới hàng chục ngàn. Bây giờ, Hiển làm chủ vườn ươm rộng hàng ngàn m2, cung cấp 120.000 cây giống ba kích mỗi năm cho địa bàn Quảng Nam và các địa phương vùng  Tây nguyên.

Ký sự Khu 7: Cổng trời no ấm (Bài 2) 5
Anh Hiển kiểm tra chất lượng sản phẩm do HTX sản xuất

Giống đã có, kỹ thuật đã ổn, lượng sản phẩm hàng năm đủ để cung cấp cho thị trường, nhưng đầu ra vẫn khá bấp bênh... anh Hiển đã nhiều đêm trăn trở suy nghĩ tìm hướng nâng tầm cây sâm của vùng đất này, cải thiện đời sống người dân và sản phẩm được quảng bá rộng rãi. Và rồi anh Hiển đã chọn hướng thành lập Hợp tác xã (HTX) để khởi nghiệp.

Năm 2017, HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình ra đời, là mô hình HTX kiểu mới đầu tiên ở Tây Giang, chuyên tổ chức ươm giống và sản xuất cây ba kích tím theo hợp đồng liên kết. Hiện tại HTX có 13 thành viên. Diện tích trồng từ 11ha nay đã phát triển lên 52ha ba kích tím tại các huyện Tây Giang, Quế Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị), Bình Sơn (Quảng Ngãi). Năm 2020, HTX tiếp tục liên kết với 10 hộ dân trồng ba kích và 5 hộ dân trồng chè dây nâng tổng số hộ liên kết lên thành 25 hộ.

Với mong muốn sản phẩm của người dân Cơ Tu ở Tây Giang có giá trị cao, anh Hiển đã mang giới thiệu tại nhiều điểm trong và ngoài tỉnh
Với mong muốn sản phẩm của người dân Cơ Tu ở Tây Giang có giá trị cao, anh Hiển đã mang giới thiệu tại nhiều điểm trong và ngoài tỉnh

HTX sản xuất đã có, nhưng để đưa sản phẩm ra thị trường, anh Hiển tiếp tục thành lập Công ty Cổ phần Ranvi để tổ chức sản xuất, phân phối hàng hóa, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Theo đó, HTX Nông Lâm nghiệp Thiên Bình là đơn vị thực hiện nhiệm vụ liên kết tổ chức sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng của người đồng bào Cơ Tu, còn Công ty Cổ phần Ranvi có nhiệm vụ phân phối sản phẩm ra thị trường.

“Làm sao người dân Cơ Tu nơi đây có thể duy trì và phát triển từ văn hóa cha ông để lại? Làm sao để người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình? Con đường đó đang thôi thúc thầy trò chúng tôi kiên trì hành động từng ngày để mang lại những giá trị bền vững cho cộng đồng”, anh Hiển chia sẻ.


Tin cùng chuyên mục
Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Những năm qua, tỉnh Khánh Hoà dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục miền núi, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ học sinh có điều kiện ăn ở ổn định. Ngoài các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thực hiện hỗ trợ chi phí từ khi học mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học; hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí…; tặng quà, học bổng từ các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh dành cho học sinh, sinh viên DTTS.