Huyện miền núi biên giới Tây Giang của tỉnh Quảng Nam tách ra từ huyện Hiên là quê hương của người dân tộc thiểu số Cơ Tu, chủ nhân của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Huyện Hiên trước đây từng là huyện biên giới có mật độ dân số thấp nhất và có diện tích rừng nhiều nhất Việt Nam. Nhiều thế hệ người dân Cơ Tu cư trú rải rác, không tụ thành làng bản như những dân tộc khác, sống hoàn toàn phụ thuộc vào rừng và lưu truyền nhiều phong tục riêng, trong đó có tục thờ thần rừng, kiêng cữ và quy ước các vùng rừng ma, rừng cấm xâm phạm. Đây là lý do chính khiến khu rừng gỗ pơ mu cổ thụ còn lại đến ngày nay.
Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 1.146 cây pơ mu ở đây là Cây di sản Việt Nam. Địa phương này cũng đã xây dựng khu vực chỉ dấu dành cho tham quan và nghiên cứu tại xã A Xan, một xã biên giới cách trung tâm Tây Giang khoảng 40km về phía biên giới Việt - Lào.
Quần thể cây di sản hiện nằm chủ yếu ở 2 xã A Xan và Tr’Hy của huyện Tây Giang mới phát lộ được hơn một thập kỷ, do chính những người dân ở đây tìm kiếm, đánh dấu và thống kê lại chủ yếu nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, dưới chân núi Zi’lieng. Những cây pơ mu chủ yếu có tuổi từ hơn 300 năm đến 1.000 năm. Đường kính cây pơ mu lớn nhất gần 5,5m và chỗ tập trung nhiều cây pơ mu nằm ở địa phận xã A Xan trong tổng thể 90 ngàn ha rừng tự nhiên.
Không chỉ có cây pơ mu quý hiếm, đại ngàn Tây Giang còn nhiều loại gỗ quý như lim, đỗ quyên, đa sộp, dổi..., vì vậy, rừng ở khu vực này còn nguyên vẻ hoang sơ, kì bí, là một điểm cuốn hút đặc biệt đối với những người ưa thích du lịch khám phá, tìm hiểu thiên nhiên.
Nếu may mắn, du khách đến tham quan rừng tự nhiên pơ mu tại A Xan còn được lưu trú tại làng sinh thái pơ mu tại đây, tham dự lễ tạ ơn thần rừng tổ chức vào mùa Xuân, mùa lễ hội và tham dự lễ cưới, hoặc lễ đâm trâu của người Cơ Tu. Dân tộc Cơ Tu vốn là những “cánh chim dũng mãnh” của đại ngàn Trường Sơn. Họ có kiến trúc nhà truyền thống, có dân ca, dân vũ, lễ hội, có lời ca tung tung ja já, nói lí, hát lí, có kỹ thuật may thêu thổ cẩm riêng, có tục cúng rừng và cả một tổ hợp các kỹ nghệ săn rừng, chinh phục tự nhiên và những cách thức trấn áp nỗi sợ hãi từ rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí để tồn tại và lưu truyền nòi giống đến ngày nay.
Quần thể rừng pơ mu Tây Giang đã minh chứng một điều, thiên nhiên không tách rời đời sống con người. Khu rừng thiêng Tây Giang luôn đi liền với văn hóa, đời sống của người Cơ Tu, chính là đã gìn giữ, bảo tồn rừng tự nhiên như áo mặc của mình. Đối với người Cơ Tu, rừng là nguồn sống, là gốc gác văn hóa phát triển tộc người và quy định lại văn hóa tộc người.
Khách du lịch gán cho khu rừng rất nhiều cái tên mĩ lệ: “Vương quốc pơ mu” “công chúa ngủ trong rừng”, “đại ngàn lâm mộc ngũ hổ pơ mu”... chính vì quá yêu mến và choáng ngợp trước thiên nhiên ở nơi này. Chỉ cần tới được nơi đặt chỉ dấu thì đã sờ được vào những thân pơ mu xù xì hơn cả ngàn năm tuổi. Mỗi gốc cây có hình thù khác nhau, cây như rồng cuộn, cây như hổ ngồi. Du khách tận mắt thấy những nhà gươl - nhà cộng đồng bằng gỗ được chạm, khắc, vẽ đậm chất văn hóa dân gian. Du khách còn được gặp gỡ và trò chuyện với cán bộ Kiểm lâm bảo vệ rừng ở trạm bảo vệ rừng cách đó không xa. Họ thường tự hào rằng, vì ở quá lâu với rừng, với cộng đồng người Cơ Tu nên họ thuộc từng cây, từ cây nào to nhất, cây nào có năm mưa bão sét đánh gãy cành, đến cây nào phải đi bộ vất vả trèo núi lội suối hết hơi mới tới nơi được...
Các ngôi làng của người Cơ Tu hiện nay đã được quy hoạch lại để đồng bào được cư trú gần đường giao thông, gần nguồn nước và có khu canh tác lúa nước tập trung tiện cho thủy lợi. Không có ở đâu, địa phương làm quyết liệt, triệt để để có thể gom toàn bộ dân cư rải rác trong các cánh rừng về lại một nơi, làm mặt bằng để dân làm nhà sàn, sinh sống như ở Tây Giang và đã làm thành công.
Người dân Cơ Tu còn tự nguyện dành tiền bảo vệ rừng hằng năm, đối ứng với khoản hỗ trợ của chính quyền nhằm làm đường giao thông nông thôn để tiện đi lại, hướng cuộc sống ra ngoài, hướng về miền xuôi, bớt phụ thuộc vào rừng sâu. Đây cũng là cách bảo vệ rừng hữu hiệu, tiến tới có thể làm du lịch cộng đồng, sống nhờ vẻ đẹp của rừng, nhưng biến rừng thành tài nguyên phục vụ con người. Trước đây, các làng Cơ Tu không biết trồng cấy, chăn nuôi, bây giờ, đến đầu làng đã có cổng chào, vườn rau, ao cá, cuộc sống xanh tươi bên cạnh những cánh rừng bạt ngàn.
Gần đây nhất, vào tháng 3-2021, làng sinh thái pơ mu tại xã A Xan đã tổ chức lễ tạ ơn rừng nhằm ra mắt cộng đồng du lịch trong và ngoài nước, đồng thời cũng muốn duy trì và biến hoạt động này trở thành thường niên, là một sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng. Trước đây, lễ tạ ơn rừng chỉ được làm quy mô làng bản, nay địa phương làm thành lễ hội văn hóa tổ chức khơi mào cho hoạt động du lịch cộng đồng theo kiểu sinh thái bền vững. Đồng bào tự hào về bản sắc văn hóa riêng và quần thể cây pơ mu, rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên còn giữ được. Người Cơ Tu không chỉ là tộc người giữ được nét văn hóa riêng, họ còn có lối sống cộng đồng, tộc họ rất rõ thể hiện qua các lễ hội săn bắn, tế thần, luôn ăn chung mâm cả làng vào ngày hội thể hiện sự đoàn kết ý chí và tính thống nhất rất cao.
Du lịch ngắm rừng sẽ là hành trình du lịch mới mẻ và hấp dẫn ở Tây Giang. Ngoài thiên nhiên hùng vĩ choáng ngợp hiện ra trước mắt, du khách còn có cơ hội được thưởng thức văn hóa tộc người Cơ Tu đặc sắc và thăm cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Zi’lieng, thăm thung lũng A Xan, cổng trời Tây Giang...