Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh

Như Ý - 10:30, 22/04/2025

Sâm Ngọc Linh là một trong những loại dược liệu quý, còn có tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu 5 (K5), củ ngải rọm con, hay cây thuốc giấu…; được tìm thấy tại vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Để sâm Ngọc Linh có thể sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, hấp thu đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết mời bà con tham khảo kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh sau đây.

Sâm Ngọc Linh là một trong những loại dược liệu quý
Sâm Ngọc Linh là một trong những loại dược liệu quý

Đặc điểm thực vật của cây sâm Ngọc Linh

Cây thân thảo sống lâu năm, chiều cao đạt khoảng 1m. Thân rễ mập, đường kính trung bình 3,5cm, không có rễ phụ dày dự trữ. Một số cây phát triển củ ở phần cuối thân rễ, hình gần cầu với đường kính khoảng 5cm.

Thân cây nhẵn, cao từ 40-80cm, có dạng 3 mặt hơi tròn, kèm theo các rãnh dọc nhỏ. Lá mọc theo vòng, mỗi vòng thường có 4 lá (hiếm khi 3, 5 hoặc 6).

Lá kép chân vịt bao gồm 5 lá chét (đôi khi 6 hoặc 7), dài từ 7-12cm (có trường hợp đến 15cm). Lá chét trên cùng có hình trứng ngược hoặc mũi mác, kích thước 8-14cm dài và 3-5cm rộng. Đầu lá nhọn kéo dài 1,5-2cm, gốc lá dạng hình nêm. Mép lá có răng cưa nhỏ đều, với 8-11 cặp gân bên dọc theo gân chính. Mặt trên của lá chét có lông cứng dạng gai dài 3mm, mặt dưới ít lông hơn.

Cụm hoa dài khoảng 25cm, gấp 1,5-2 lần chiều dài cuống lá, thường mang một tán đơn độc ở đỉnh, đôi khi kèm thêm 1-4 tán phụ hoặc một hoa đơn lẻ. Tán hoa chính có đường kính 2,5cm, chứa từ 50-120 hoa nhỏ màu vàng lục nhạt, mỗi hoa nở có đường kính 3-4mm. Bầu nhụy thường có 1 ô và 1 vòi (chiếm 80%), đôi khi có 2 ô và 2 vòi (chiếm 20%).

Quả khi chín chuyển màu đỏ, thường có một chấm đen ở đỉnh. Quả chứa 1 hạt hình thận hoặc 2 hạt dạng hình cầu hơi dẹt, kích thước 7-10mm dài và 4-6mm rộng.

(Tổng hợp) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh 1

Thời vụ trồng

Hằng năm bà con nên tiến hành trồng sâm Ngọc Linh từ khoảng tháng 3 đến tháng 7. Đây được xem là thời gian sinh trưởng và phát triển tốt nhất cho cây sâm.

Sâm Ngọc Linh có đặc điểm là khi không khí mát mẻ, lượng nước vừa đủ sẽ phát triển vô cùng nhanh chóng. Do đó, về nhiệt độ, bà con cần duy trì nhiệt độ phù hợp, gần giống với mức nhiệt độ tại vùng núi Ngọc Linh – là vào khoảng từ 14 đến 25 độ C, với độ ẩm cao (khoảng từ 85 – 90%).

Chọn giống

Có 2 cách trồng sâm Ngọc Linh chính là trồng bằng hạt hoặc có thể mua cây giống để trồng. Trồng cây bằng hạt, bà con cần lựa chọn các hạt giống có vỏ màu đỏ tươi, có chấm đen trên đầu, hạt mẩy, sáng bóng để sử dụng. Mua hạt giống tại các cửa hàng uy tín, chất lượng để không mua nhầm loại.

Việc lựa chọn cây lấy hạt giống là cần thiết để đảm bảo chất lượng cây trồng sau này. Cây phải đạt từ 4 năm tuổi trở lên (đối với cây gieo từ hạt) hoặc 2 năm trở lên (đối với cây trồng từ đầu mầm). Đặc biệt, cây phải có biểu hiện đặc trưng của giống, không bị sâu bệnh, tổn thương cơ giới hoặc các tổn thương khác.

(Tổng hợp) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh 2

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Trước khi tiến hành trồng bà con cần chuẩn bị đất trồng sâm Ngọc Linh. Loại đất phù hợp phải là đất dưới tán rừng ở độ cao 1,500m trở lên, độ che phủ >70%, giàu mùn, đủ ẩm. Bà con nên thiết kế các băng chừa, bằng trồng xen kẽ nhau, rộng từ 8-10m. Phát dọn cây dây leo cho thông thoáng. Trong bằng trồng thiết kế 3-4 luống, mỗi luống rộng 1,6-2m.

Để trồng cây bà con cần đào những hố tròn đường kính khoảng từ 8 - 10cm, độ sâu từ 6 - 7cm. Nên sử dụng cuốc nhỏ hoặc công cụ cầm tay phù hợp, không nên sử dụng máy móc cồng kềnh.

Trồng sâm ngọc linh bằng cây non: Bứng cây non nhẹ nhàng từ vườn ươm hoặc trong khay, không được làm đứt rễ cây hoặc xây xát, rập nát cây sâm giống. Đặc cây vào các hố đã đào sẵn, mỗi hố 1 cây giống non. Khi đặt cây nhớ điều chỉnh thân cây theo phương thẳng đứng, cổ rễ đặt ngang với mặt đất. Khi đã chỉnh cây đúng vị trí dùng tay lấp đất và ấn chặt xung quanh gốc cây, lấp đất theo hình đĩa xôi để khi mưa không bị ngập úng. Khi trồng không được làm bể bầu, đứt và dập nát cây giống.

(Tổng hợp) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh 3

Trồng sâm ngọc linh bằng đầu mầm: Chuẩn bị sẵn các đoạn thân sâm đầu mầm, đặt vào hố đã đào sẵn. Đặt đoạn thân khí sinh hướng lên, lấy tay lấp đất và ấn chặt phần gốc.

Sau khi trồng cây xong, tưới một lượng nước nhỏ để ổn định cây, sau đó phủ lên gốc cây một lớp lá khô để giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại mọc và tạo một lớp mùn cho cây khi lá bị phân hủy.

Năm đầu tiên, thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn sâm trồng để sớm phát hiện những cây bị chết và trồng dặm bổ sung (nên trồng các cây cùng lứa tuổi để không bị lẫn khi thu hoạch).

Thường xuyên dọn dẹp cây leo, bụi rậm, cỏ dại tái sinh. Chỉ cần cắt, nhổ bỏ những cây mọc gần sát với gốc sâm, còn những cây cỏ không ảnh hưởng đến gốc sâm thì không cần dọn. Trong mùa mưa, không nên dọn cỏ để hạn chế trôi đất, xói mòn, nhất là thời gian cây sâm ngọc linh ngủ đông.

Không cần sử dụng các loại phân bón hóa học khi trồng sâm Ngọc Linh, để cây sinh trưởng tốt và cho củ to, mập chỉ cần thường xuyên bổ sung các lớp mùn núi cho cây bằng cách phủ lên một lớp mùn dày khoảng 2cm. Có thể tạo lớp mùn này bằng cách ủ lá mục, lá khô, thân gỗ mục,... với chế phẩm vi sinh trong một khoảng thời gian nhất định.

Những thời điểm mưa ít vào mùa khô cần tưới nước cho cây sâm Ngọc Linh để cây phát triển thuận lợi.

(Tổng hợp) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh 4

Phòng trừ dịch hại

Để phòng trừ dịch hại trên cây sâm hiệu quả, phải tuân thủ triệt để các nội dung hướng dẫn ở trên nhằm giúp cây tăng cường sức đề kháng, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sinh vật gây hại. Trong đó lưu ý, chọn vùng trồng phù hợp, thiết kế vườn trồng, mật độ khoảng cách đảm bảo,…nhằm tạo điều kiện tốt nhất để cây sâm phát triển theo hướng tự nhiên, phù hợp với môi trường sinh thái.

Chọn cây giống phải đạt tiêu chuẩn, khỏe, sạch sâu bệnh. Không bón phân hữu cơ quá mức làm cây mất cân bằng dinh dưỡng dễ nhiễm sâu bệnh hại.

Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh vườn trồng đảm bảo, không để rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và tích lũy nguồn bệnh gây hại.

Tăng cường các biện pháp canh tác như: Vệ sinh vườn, thu gom,…để hạn chế các đối tượng sinh vật gây hại; đồng thời thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời xử lý, cách ly kịp thời các cây bệnh.

Dùng các dụng cụ phù hợp để bảo vệ hạt và cuống hoa nhằm tránh các động vật như chim, chuột,…gây hại.

(Tổng hợp) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh 5

Thu hoạch và bảo quản

Củ Sâm Ngọc Linh sau 6 năm có thể thu hoạch được, tuy nhiên năng suất, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Nên thu hoạch củ khi sâm đạt từ 8 năm tuổi trở lên, thu vào tháng 10 - 12 (khi cây ngủ đông). Khi thu hoạch, cần cắt lá để riêng, cần đào nhẹ nhàng đất xung quanh củ tránh gẫy củ và đứt rễ, sau đó đào củ, rũ nhẹ đất, xếp vào dụng cụ đựng tránh bị xây sát củ.

Sơ chế, bảo quản: Rửa sạch, cắt hết rễ phụ và đem phơi hoặc sấy khô. Củ khô được bảo quản trong túi chống ẩm và để nơi khô ráo.

Tin cùng chuyên mục
Kỹ thuật trồng khoai môn hiệu quả

Kỹ thuật trồng khoai môn hiệu quả

Cây khoai môn là cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc nhưng lại mang lại giá trị kinh tế cao. Việc mở rộng diện tích trồng cây khoai môn góp phần xóa đói giảm nghèo cho một số bà con vùng khó khăn. Để trồng khoai môn cho năng suất, chất lượng tốt đem lại lợi nhuận lớn, mời bà con tham khảo mô hình kỹ thuật trồng cây khoai môn sau đây.