Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Kỹ thuật viên xét nghiệm: Những “chiến sĩ” chạy đua cùng dịch bệnh

Hà Văn Đạo - 11:02, 02/03/2020

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện bệnh dịch Covid-19, đặc biệt ở những tỉnh có người nhiễm như Khánh Hòa thì mỗi nhân viên y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch thực sự như một “chiến sĩ”, ngày đêm trên “mặt trận”. Không chỉ những y, bác sĩ trực tiếp làm việc tại các bệnh viện, mà tại các trung tâm xét nghiệm, các kỹ thuật viên xét nghiệm cũng thành những “chiến sĩ”, chạy đua cùng dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 3 từ phải qua) cùng các nhân viên chống dịch trong khu cách ly Covid-19 ở Khánh Hòa
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 3 từ phải qua) cùng các nhân viên chống dịch trong khu cách ly Covid-19 ở Khánh Hòa

Những ngày căng mình phòng, chống dịch, điện thoại bác sĩ Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, luôn bật chế độ chuông báo to nhất. Ông bảo: Mình phải chạy đua từng phút. Số liên lạc của các phòng xét nghiệm, của Viện Pasteur Nha Trang kết nối 24/24. Khi đưa mẫu xét nghiệm các bệnh nhân nghi ngờ, có kết quả được báo qua điện thoại ngay. Thông tin ấy lập tức được truyền đến các người liên quan và bệnh nhân để xóa tan đi sự lo lắng của họ. Cách làm cực nhanh ấy cũng là để đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất, nhanh nhất với từng thời kỳ diễn biến của người bệnh. 

Ngay từ ngày đầu xuất hiện dịch Covid-19 ở Việt Nam, Khoa Vi sinh miễn dịch, Viện Pasteur Nha Trang luôn trong trạng thái sáng đèn. Máy móc và các phương tiện hoạt động liên tục. Hàng chục nhân viên, cán bộ sàng lọc, kỹ thuật viên ăn ở tại phòng xét nghiệm là chính. Ai cũng khát vọng khống chế dịch nhanh nhất, cho ra kết quả chuẩn nhất, tiết kiệm thời gian nhất. 

Cử nhân Trịnh Hoàng Long, Trưởng Bộ phận Xét nghiệm virus hô hấp (Viện Pasteur Nha Trang) bộc bạch: Những ngày trước và trong Tết Nguyên đán, có hôm tiếp nhận hàng chục mẫu cần xét nghiệm. Ai cũng ý thức được tính quan trọng và khả năng lây lan của Covid-19. Hệ thống máy xét nghiệm không ngừng nghỉ phút nào cả. Có mẫu bệnh phẩm mới là đưa vào xét nghiệm ngay. Thời gian cho kết quả rút xuống còn cỡ 3 - 6 tiếng. Các mẫu này được làm rất cẩn trọng, không thể phân tích giống các loại cúm hay viêm hô hấp thông thường. 

Kỹ thuật viên Nguyễn Đức Duy cũng chia sẻ: Cùng với các thầy thuốc điều trị trực tiếp trong phòng cách ly thì những người trong phòng thí nghiệm đều được lựa chọn là các kỹ thuật viên “thiện xạ” nhất, làm việc khoa học nhất. Thời gian phải tiết kiệm tối đa nhưng từ khâu tiếp nhận bệnh phẩm, mã hóa bệnh phẩm, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… đều phải chuẩn xác. 

“Điều nguy hiểm nhất của xét nghiệm bệnh Covid-19 là mẫu bệnh phẩm có thể chứa virus sống, kỹ thuật viên chỉ cần thiếu tập trung trong tích tắc lúc mở bệnh phẩm là bị lây bệnh ngay. Bởi vậy nên phải thực hiện nghiêm quy định xử lý bệnh phẩm trong tủ an toàn sinh học cấp độ 3 (cấp độ quan trọng nhất). Không được phép để xảy ra sai sót nào. Vì nếu một người thiếu cẩn trọng sẽ lây lan cho người khác, lây lan chéo nếu không kiểm soát được ngay”, Kỹ thuật viên Nguyễn Đức Duy nói thêm. 

 Bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: Là tỉnh từng có đông khách Trung Quốc đến lưu trú, lễ tân H. cũng lây bệnh trực tiếp từ hai người Trung Quốc, nên hầu như cả cộng đồng tham gia chống dịch. Người thân cùng các nhân viên y tế làm công tác hỗ trợ luôn động viên kịp thời những người trực tiếp trong phòng xét nghiệm, phòng cách ly. Mục tiêu cao nhất là không để bệnh lây lan, hạn chế tối đa người mắc. 

Tin cùng chuyên mục