Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kỳ vọng từ Đam Rông

PV - 10:19, 21/08/2019

Quốc lộ 27 đoạn từ cuối xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà) sang xã Đạ R’Sa (huyện Đam Rông) của tỉnh Lâm Đồng như sợi chỉ ngoằn ngoèo giữa dãy Trường Sơn Đông. Đây là một phần trong tuyến đường huyết mạch kết nối Lâm Đồng với Đăk Lăk, Đăk Nông. Đi trên cung đường này, chúng tôi chứng kiến những đổi thay rõ rệt trong đời sống của đồng bào các DTTS của Đam Rông, huyện 30a duy nhất hiện nay của tỉnh Lâm Đồng.

Những biệt thự trên đèo Phi Liêng

Từ TP. Đà Lạt, theo Quốc lộ 27, chúng tôi qua huyện Lâm Hà để về Đam Rông. Đi hết xã Phú Sơn của huyện Lâm Hà bát ngát cà phê là chạm phải rừng, tức là đã vào địa phận huyện Đam Rông.

Sở dĩ nói đến địa phận huyện Đam Rông là “chạm phải rừng” bởi địa phương này có tổng diện tích 87.210ha thì có đến 72% diện tích là đất lâm nghiệp. Và “cửa ngõ” từ hướng Bắc để vào Đam Rông là 2 cung đèo: Phi Liêng và đèo Chuối. Trong đó, đèo Phi Liêng (thuộc xã Phi Liêng) có chiều dài 20km.

Đèo Phi Liêng cũng không thiếu rừng và lau lách-gợi nhớ sự hoang vu. Nhưng trên đèo Phi Liêng, nổi bật hơn cả là những nếp nhà kiên cố xây theo kiểu biệt thự, được ôm ấp giữa vườn cà phê, ao cá, lúa nước,… theo mô hình trang trại.

Một góc xã Phi Liêng nhìn từ đỉnh đèo Phi Liêng. Một góc xã Phi Liêng nhìn từ đỉnh đèo Phi Liêng.

Chúng tôi ghé vào một trang trại gần giữa đèo, thuộc thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng. Chủ trang trại là anh Lơ Mu Ha Soạn, dân tộc Cơ-ho. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Được hỗ trợ vốn đi xuất khẩu lao động theo Chương trình 30a, anh đã chăm chỉ làm việc ở Hàn Quốc trong gần 10 năm. Về nước, anh đã dùng số tiền tích góp được để đầu tư làm trang trại ngay trên đèo Phi Liêng.

Anh Soạn cho biết, trang trại của anh có diện tích gần 1,5ha (15.000m2). Anh trồng 800 gốc cà phê trên diện tích 1ha; còn lại trồng chanh dây, su su. Ngoài ra, anh còn đào 2 ao lớn để tưới tiêu, thả cá. Cà phê mới trồng được hơn 2 năm, chưa cho thu hoạch nhưng đang phát triển rất tốt.

“Sau 3 năm trồng là cho thu hoạch, với 800 gốc cà phê thu bình quân khoảng 2,5 tấn cà phê nhân; với giá bán 35-37 triệu đồng/tấn thì cũng được khoản kha khá để tích lũy. Còn chi phí sinh hoạt thì thu từ ao cá và các loại cây ngắn ngày”, anh Soạn vui vẻ nói.

Cũng như gia đình anh Soạn, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Phi Liêng đã và đang vươn lên khá giả từ mô hình kinh tế trang trại dọc theo đèo Phi Liêng. Với chiều dài 20km nên đèo Phi Liêng gần như đi hết chiều dài của xã. Ở xã Phi Liêng-xã điểm đầu phía Bắc của huyện Đam Rông theo Quốc lộ 27, dân số chủ yếu là đồng bào Cơ-ho, đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Nhớ mười lăm năm trước, khi tách từ huyện Lâm Hà để trở thành đơn vị hành chính của huyện Đam Rông, Phi Liêng là xã khu vực III đặc biệt khó khăn. Nay xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đặc biệt thu nhập bình quân của xã đã đạt 31 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,25%.

Kỳ vọng thoát khỏi huyện nghèo

Hết đèo Phi Liêng là đèo Chuối-cung đèo cuối cùng để vào thị trấn Bằng Lăng, trung tâm hành chính huyện Đam Rông. Nói là thị trấn nhưng đang còn ở diện quy hoạch trong năm 2020; còn Bằng Lăng hiện tại mang dáng dấp của một thị tứ của huyện nghèo, nơi đóng chân của các cơ quan, đơn vị hành chính của huyện.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đam Rông, ông Thân Hùng Mạnh nửa đùa nửa thật: “Khi mới thành lập huyện, trung tâm hành chính huyện đặt tạm ở xã Đạ Tông. Nhưng ở đó khó khăn về giao thông, đi lại quá nên mới chuyển về ngã ba Bằng Lăng này; nhưng có lẽ độ khó cũng chẳng thua gì nơi ở cũ”.

“Nơi ở mới” của trung tâm hành chính huyện Đam Rông khó khăn cũng phải bởi Đam Rông còn là huyện nằm trong danh sách các huyện 30a của cả nước. Cái khó của huyện được biểu hiện ở nhiều lĩnh vực.

Trước hết là thu ngân sách trên địa bàn, trong 4 năm (2015-2018), toàn huyện chỉ thu được 224,09 tỷ đồng; tính bình quân chỉ thu được hơn 56,02 tỷ đồng/năm. Đam Rông còn khó về thu hút đầu tư khi mà hiện nay trên địa bàn chỉ có 58 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký vỏn vẹn 108 tỷ đồng…

Nhưng Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đam Rông vẫn đầy tin tưởng khi nói về mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a vào cuối năm 2020 của huyện. Ông bảo, là huyện có đến gần 73% dân số (9.076/12.656 hộ) là đồng bào các DTTS, khi mới thành lập (năm 2004), 8/8 xã của huyện Đam Rông đều thuộc khu vực III đặc biệt khó khăn; theo chuẩn nghèo cũ thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3/4 tổng số hộ, hộ nghèo là đồng bào DTTS chiếm đa số trong tổng số hộ nghèo của huyện.

“Những năm gần đây, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện, nhất là hộ nghèo là đồng bào DTTS đã giảm sâu. Dù còn không ít khó khăn nhưng kỳ vọng về một Đam Rông không còn là huyện nghèo là hoàn toàn có thể”, ông Mạnh hồ hởi nói.

Sự tự tin của Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đam Rông hoàn toàn dễ hiểu; bởi trong 3 năm gần đây (2016-2018), tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giảm rất nhanh. Đầu năm 2016, toàn huyện có 3.608 hộ nghèo là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 84,54% tổng số hộ nghèo của huyện. Đến hết năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 31,83%. Như vậy trong 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS của huyện đã giảm gần 53%, bình quân giảm gần 18%/năm.

Rời Đam Rông, chúng tôi mang theo tâm sự đầy kỳ vọng của Trưởng Phòng Dân tộc huyện. Ông bảo, mười lăm năm trước, Đam Rông được “sinh thành” từ việc sáp nhập 3 xã nghèo phía Tây của huyện Lạc Dương và 5 xã thuộc diện khó khăn của huyện Lâm Hà. Khi đó, nhiều người bảo, Đam Rông là sự kết hợp giữa cái nghèo cũ với cái nghèo mới, lớn hơn và nghèo hơn. Sau mười lăm năm, Đam Rông dù vẫn còn khó khăn nhưng đã thoát khỏi tình trạng “nghèo chồng nghèo” của cái thuở mới ra đời.

TÙNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.