Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Kỳ vọng từ Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao

Minh Thu - 07:42, 09/04/2024

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) triển khai thực hiện Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Ðề án). Ðề án này kỳ vọng tạo chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất lúa gạo ở ÐBSCL, tạo điều kiện nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng và thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường.

Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh là kỳ vọng của nông dân. (Ảnh Hữu Tuấn)
Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh là kỳ vọng đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. (Ảnh Hữu Tuấn)

Quyết tâm cao từ các địa phương

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Địa phương có diện tích gieo trồng lúa lên tới 700.000ha, sản lượng lúa hàng năm từ 4,4 - 4,5 triệu tấn (nhiều năm liền đứng đầu cả nước từ năm 2020 đến 2023); diện tích gieo trồng lúa chất lượng gạo cao chiếm trên 90% diện tích gieo trồng hàng năm.

Năm 2023, toàn tỉnh Kiên Giang tổ chức sản xuất cánh đồng lớn được 1.334 cánh đồng (tăng 641 cánh đồng so năm 2022) với diện tích 167.225,69ha (tăng 57.893,69ha so năm 2022). Trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ (tăng 524 cánh đồng so 2022) với diện tích 120.696,58ha (tăng 46.257,58ha so 2022) và có 55.165,8ha sản xuất an toàn, đạt các chuẩn chứng nhận xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật, ….

Cùng với đó, công tác quản lý cấp mã vùng trồng được quan tâm chỉ đạo, đến năm 2023, tỉnh Kiên Giang có 403 mã vùng trồng được cấp cho 15 loại cây trồng với diện tích hơn 13.600ha, sản lượng hàng năm ước khoảng trên 224 nghìn tấn; trong đó, cây lúa được cấp 333 mã vùng trồng với diện tích trên 12.000ha, sản lượng ước khoảng trên 115 nghìn tấn phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

“Nông dân rất kỳ vọng, Đề án sẽ tăng thu nhập cho người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50% vào năm 2030” - ông Lê Quốc Anh nhấn mạnh.

Người người nông dân sẽ được hưởng lợi từ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Người nông dân sẽ được hưởng lợi từ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, địa phương đã đăng ký 50.000ha lúa chất lượng cao. Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025, đăng ký 30.000ha, giai đoạn đến năm 2030 tăng thêm 20.000ha tại ba huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Cần Thơ sẽ tập trung làm các giống thơm, giống đặc sản như Jasmine 85, Đài thơm 8, RVT hoặc các giống ST cho vụ đông xuân 2023. Còn vụ hè thu và thu đông, tập trung vào các bộ giống chất lượng cao là OM 5451 và OM 18.

“Tuy nhiên, vùng trồng phải được quản lý, phải được cấp định danh, quá trình sản xuất phải có nhật ký. Chỉ cần thêm những động tác đó thì giá gạo có thể không dừng lại ở con số 650 USD/tấn như bây giờ mà có khi trên 1.000 USD/tấn. Bản thân tên gọi của đề án đã khẳng định được vị thế thương hiệu của hạt gạo Việt Nam”.

Ứng dụng công nghệ viễn thám quản lý đồng ruộng (Ảnh: Trung Chánh)
Ứng dụng công nghệ viễn thám quản lý đồng ruộng (Ảnh: Trung Chánh)

Chú trọng liên kết

Mới đây, tại hội nghị triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Ðề án trên tổ chức ở TP. Cần Thơ do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện thành công Ðề án, cần kịp thời làm tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức, hành động cho nông dân, cho cán bộ quản lý cùng các thành viên của HTX nông nghiệp và các bên có liên quan. Thúc đẩy nông dân liên kết với nhau thông qua các HTX nông nghiệp và có sự gắn kết chặt với doanh nghiệp để hình thành các “cánh đồng lớn” sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Việc liên kết là rất quan trọng để thuận lợi trong áp dụng các quy trình canh tác lúa gạo bền vững, cũng như đo đếm lượng giảm phát thải để bán tín chỉ các-bon, mà từng nông hộ nhỏ lẻ khó thực hiện được.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, cần tăng cường năng lực cho tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là các đối tượng tham gia Ðề án. Trong đó, lực lượng khuyến nông cần được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực để thực hiện tốt vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với HTX và người sản xuất...”.

Theo Lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương, cần thúc đẩy thương lái tham gia thực hiện liên kết, tiêu thụ với nông dân.
Theo Lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương, cần thúc đẩy thương lái tham gia thực hiện liên kết, tiêu thụ với nông dân.

Còn theo đề xuất của ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, việc tiêu thụ lúa gạo ở các địa phương trong thời gian qua cho thấy còn có sự tham gia không thể thiếu của lực lượng thương lái thu mua lúa. Do vậy, tới đây các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT và Trung ương cũng cần quan tâm tập huấn nâng cao năng lực và xem xét, phát huy vai trò chính danh của thương lái. Qua đó, thúc đẩy thương lái tham gia thực hiện liên kết, tiêu thụ với nông dân, với HTX và các doanh nghiệp một cách bài bản, có hợp đồng chặt chẽ, chính quy. Doanh nghiệp thông qua thương lái cũng có điều kiện thuận lợi hơn trong xây dựng các vùng lúa chất lượng cao, có thương hiệu và nâng cao được giá trị sản phẩm...

Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 nhằm hướng đến canh tác lúa bền vững ở ÐBSCL. Tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Qua đó, giúp 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích, trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%...

Để nâng tầm giá trị cũng như hướng tới phát triển bền vững ngành lúa gạo, ngày 27/11/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha đến năm 2030, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2025 củng cố 180.000 ha của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT. Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030 mở rộng ra trên 820.000 ha.



Tin cùng chuyên mục
Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Từ ngàn xưa, cây sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam rất trân quý, gọi là cây “thuốc giấu”, và xem đó là món quà do Giàng (Trời) ban để bồi bổ sức khoẻ cũng như chữa bệnh. Ngày nay đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, những phiên chợ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” đã thu hút các đại gia từ mọi miền đất nước đổ về tìm mua sâm. Đây cũng là dịp để những “tỷ phú xứ núi” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng cây “thuốc giấu”.