Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Lá đơn thứ 72”, vở kịch xúc động về Bác Hồ

Thành Nam - 16:35, 04/05/2022

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), Sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) đã dàn dựng tác phẩm sân khấu mới “Lá đơn thứ 72” về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghệ sĩ Văn Hải vào vai Bác Hồ trong một phân đoạn của vở kịch “Lá đơn thứ 72”
Nghệ sĩ Văn Hải vào vai Bác Hồ trong một phân đoạn của vở kịch “Lá đơn thứ 72”

Vở kịch “Lá đơn thứ 72” dựa trên một câu chuyện có thật. Theo tác giả Hoàng Thanh Du, ông viết kịch bản từ tư liệu của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên là thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao - người từng giải mã nhiều vụ án oan sai ở Việt Nam những năm trước đây.

Vở kịch lấy bối cảnh miền Bắc những năm 1960 - 1970. Ngay phút mở màn, sân khấu bao phủ một màu u ám. Đức Minh - người tù số 003 mang theo nỗi uất ức vì chịu án oan. 8 năm ròng, người tù ấy luôn chấp hành tốt tất cả các nội quy của trại nhưng không ngừng viết đơn gửi Bác Hồ với mong muốn được giải oan.

Đó là vụ án oan về ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, từng là cán bộ địa phương, bị lĩnh án về tội giết người. Trong suốt 8 năm, ông Chồi liên tục gửi hơn 70 lá đơn để kêu oan. Năm 1966, Hồ Chủ tịch cho thư ký Vũ Kỳ chuyển đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao một lá đơn kêu oan của ông Đỗ Văn Chồi với lời nhắn: “Bác không hài lòng với lối làm việc cứ đùn đẩy cho nhau. Người ta đã gửi tới 70 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm. Bác yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác biết”. Và vụ án của ông Đỗ Văn Chồi được lật lại…

Thực tế, trung tâm của câu chuyện, đặc biệt là gần như suốt nửa đầu vở diễn đều xoay quanh người tù số 003, nhưng trong vở “Lá đơn thứ 72”, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc hoạ rất rõ nét. Đúng như lời hứa của các nghệ sĩ ngay từ khi bắt đầu công bố khởi dựng tác phẩm là cố gắng khắc họa chân thực nhất, thuyết phục nhất về “Người cha già” luôn hết lòng vì dân, vì nước, gần dân, quan tâm tới người yếu thế nhất.

Một phân cảnh trong vở kịch
Một phân cảnh trong vở kịch

Trong vở diễn, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển tải sinh động, không chỉ bằng lời thoại, mà còn bởi diễn xuất của nghệ sĩ Văn Hải – người đóng vai Bác Hồ. Từ phục trang, động tác, giọng nói đến cách thoại của nghệ sĩ Văn Hải rất giống Bác lúc sinh thời. Dù rằng, khi ê kíp công bố diễn viên đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ, không ít người nghi ngại, vì ngoại hình ngoài đời thực của nghệ sĩ Văn Hải rất khác với Bác.

Vở kịch “Lá đơn thứ 72” nói về vụ án oan được Bác Hồ chỉ đạo điều tra lại từ hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng qua cách “kể” của đạo diễn và các nghệ sĩ trong từng lớp kịch, từng câu chuyện nhỏ về số phận các nhân vật, kể cả các thành viên trong gia đình của người bị hàm oan và kẻ phạm tội, hay các câu chuyện của những phạm nhân đang thụ án trong trại giam…, người xem cảm nhận như là chuyện của đời sống hôm nay, dù rằng, có thể vở diễn chưa hoàn hảo như mong đợi, còn đôi chỗ chưa hoàn thiện trong suất diễn đầu tiên. “Lá đơn thứ 72” là một trong những tác phẩm nghệ thuật – thành quả từ hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa mà các nghệ sĩ kính dâng lên Bác dịp này.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.