Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Lai Châu: Đẩy mạnh phòng, chống xâm hại trẻ em

Hoài Dương - 22:41, 23/07/2020

Xâm hại trẻ em là vấn đề nhức nhối khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ. Thời gian qua, cùng với hệ thống pháp luật hiện hành, tỉnh Lai Châu đang tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em sinh sống tại các huyện vùng cao.

Trưởng bản Hoàng Văn Sòi trao đổi với người dân về việc quan tâm giáo dục con cái.
Trưởng bản Hoàng Văn Sòi trao đổi với người dân về việc quan tâm giáo dục con cái.

Cuối tháng 6 vừa qua, có dịp đến thăm bản Phiêng Sản, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, nơi có 100% đồng bào dân tộc Lào sinh sống, chúng tôi vui mừng vì nhận thức của các bậc phụ huynh về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đã được nâng lên. Nhiều người dân khi được hỏi tỏ ra vô cùng bức xúc, phẫn nộ trước những trường hợp trẻ em bị xâm hại thời gian qua. Họ khẳng định sẽ quan tâm hơn đến việc chăm sóc và giáo dục con cái.

Theo ông Hoàng Văn Sòi, Trưởng bản, Người có uy tín bản Phiêng Sản, mỗi tuần, bản tổ chức họp 1 lần vào tối thứ Bảy, qua buổi sinh hoạt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại tình dục được lồng ghép chiếm đến 1/3 thời gian buổi họp.

Ông Lò Văn Én, người dân trong bản cho biết: “Đi họp ở bản, ở xã, tôi cũng được các cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận dạng những người xấu vào bản để xâm hại trẻ em. Khi về nhà nói với con cháu, mình phải đề phòng tránh xa những người như thế. Nếu gặp kẻ xấu có ý đồ xâm hại là phải báo ngay cho người lớn, cho bố mẹ biết”.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lai Châu, giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh có 67 trẻ em bị xâm hại, trong đó 3 trẻ bị bạo hành, 13 trẻ bị hiếp dâm và 24 trẻ bị mua bán, còn lại là trẻ bị các hình thức xâm hại khác. So với giai đoạn 2011 - 2015, số trẻ em bị hiếp dâm có xu hướng giảm, tuy nhiên số trẻ bị bạo hành và mua bán tăng.

Điển hình như ở huyện Tân Uyên, số lượng trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn huyện là 20.900 trẻ em. Theo bà Lê Thị Tỉnh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, giai đoạn 2015 - 2019, trên địa bàn huyện có 8 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, 6 trẻ em bị xâm hại tình dục; 2 trẻ em bị mua bán. Bà Tỉnh dự báo, thời gian tới tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em có nhiều diễn biến phức tạp, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng theo chiều hướng ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa thường xuyên, chưa đi sâu vào từng thôn, bản; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục giới tính cho trẻ chưa được chú trọng sự kết hợp quản lý giáo dục giữa gia đình, nhà trường và địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Từ đó, trẻ em dễ bị dụ dỗ và bị xâm hại…

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; rà soát, thu thập thông tin về trẻ em và cập nhật phần mềm quản lý dữ liệu trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH. Đến nay, việc cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm đã đạt gần 80%. Đồng thời, tỉnh thường xuyên giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, xâm hại cho trẻ; phổ biến cho cha mẹ và trẻ em về việc nhận biết rủi ro trên môi trường mạng, cung cấp các kiến thức sử dụng mạng Internet an toàn cho trẻ em. Phổ biến hoạt động “Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để người dân kịp thời tố giác những hành vi xâm hại trẻ em...

Cùng với các giải pháp trên, các cấp chính quyền của tỉnh cũng cần có giải pháp, vận động, khuyến khích cộng đồng dũng cảm tố giác tội phạm. Thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với trẻ em để chính trẻ em nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình, từ đó có những biện pháp can thiệp kịp thời…

Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, tỉnh thường xuyên giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, xâm hại cho trẻ; phổ biến cho cha mẹ và trẻ em về việc nhận biết rủi ro trên môi trường mạng, cung cấp các kiến thức sử dụng mạng Internet an toàn cho trẻ em”.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.