Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lai Châu: Hiệu quả từ các mô hình hợp tác xã dược liệu

Thuỳ Giang - 23:00, 02/09/2023

Đến Lai Châu, vào các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của Hội Nông dân tỉnh hay hệ thống siêu thị, đều dễ dàng có thể thấy các sản phẩm OCOP nông sản, đặc sản tiêu biểu của địa phương được bày bán. Đặc biệt, có khá nhiều các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ - quà tặng của núi rừng, do các HTX dược liệu giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng như: Sâm Lai Châu, Lá tắm người Dao, Phong tê thấp gia truyền Mý Dao, Đỗ trọng Sìn Hồ, cao Actiso Sìn Hồ…

Đồng bào Mông chuẩn bị cây giống cho HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ
Đồng bào Mông chuẩn bị cây giống cho HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ

Phát triển vùng trồng dược liệu từ mô hình HTX

Chúng tôi đến cao nguyên Sìn Hồ - một trong tám vùng dược liệu trọng điểm của cả nước, ở đây có khá nhiều HTX dược liệu. Anh Nguyễn Trần Văn, Giám đốc HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ (bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ) cho biết: Hiện, HTX của anh đã có 7 sản phẩm dược liệu đạt chứng nhận OCOP, được chế biến từ vỏ đỗ trọng và hoa, lá, củ cây Actiso trồng tại Sìn Hồ, phân phối toàn quốc.

Anh Văn cho biết thêm, bên cạnh diện tích Actiso do HTX tự trồng, anh còn liên kết với gần 70 hộ dân tại địa phương trồng 10ha cây Actiso theo hướng hữu cơ, không có chất bảo vệ thực vật. HTX tổ chức thu mua, bao đầu ra cho cây dược liệu của bà con. Sau đó, nguyên liệu Actiso được HTX tiến hành sơ chế, sấy khô, nấu cao, đảm bảo đúng quy trình kĩ thuật và giữ lại được dược tính cao. Sản phẩm được bảo quản, đóng gói đẹp mắt, tiện ích cho người sử dụng. 

Một số sản phẩm của HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ
Một số sản phẩm của HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ

Không chỉ trồng và chế biến Actiso, HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ cũng là HTX đầu tiên tại địa phương phát triển trồng sâm Lai Châu theo hướng tự nhiên. Giám đốc HTX Nguyễn Trần Văn chia sẻ: Đầu tiên, HTX phải tìm mua cây giống do người dân đi rừng lấy về. Áp dụng khoa học kĩ thuật trồng sâm. HTX chọn vùng đất dưới tán rừng mùn, màu mỡ, đủ ẩm và mát để ươm trồng cây. Khi cây phát triển và đạt ít nhất 4 năm tuổi mới lấy hạt ươm gieo. Cứ như thế phát triển nhân rộng vùng nguyên liệu sâm xã Xà Dề Phìn và các xã lân cận. Chính việc phát triển tự nhiên nên sâm phát triển khoẻ mạnh, ít sâu bệnh và có dược tính cao.

Còn tại huyện Phong Thổ, thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng gần 180.000 m2 diện tích trồng sâm Lai Châu. Trong đó có 8 HTX, doanh nghiệp đã trồng được gần 100.000 m2. HTX Thuận Phát, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ do anh Nguyễn Hải Châu làm Giám đốc mới thành lập được khoảng 4 năm nhưng đến nay đã sở hữu gần 2 vạn cây sâm. Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ phát triển vùng nguyên liệu, đạt mục tiêu ươm, trồng khoảng 20 vạn cây.

Sản phẩm trung bày tại Hội chợ sâm Lai Châu của HTX Thuận Phát (Phong Thổ)
Sản phẩm trưng bày tại Hội chợ sâm Lai Châu của HTX Thuận Phát (Phong Thổ)

Tại huyện Tam Đường có HTX sâm Lai Châu (bản Ma Sao Phìn Cao, xã Khun Há) do ông Sùng A Sua (dân tộc Mông) làm Chủ nhiệm cũng phát triển khá tốt. Năm 2022, HTX đã thu được khoảng 250 triệu đồng nguyên liệu sâm củ cộng với trong vườn có sẵn 5.000 cây giống. Sâm là loài cây càng trồng lâu năm, giá trị càng cao, do vậy, việc trồng và thu hoạch sâm không phải chỉ mang lại lợi ích kinh tế trước mắt mà còn mang lại giá trị lâu dài và có tiềm năng kinh tế lớn cho người dân.

Tại các xã Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ của huyện Mường Tè, người dân cũng đang sở hữu nhiều vườn dược liệu quý hiếm đáng giá bạc tỉ như: sâm Lai Châu, đẳng sâm, sói rừng, hoàng tinh trắng, bảy lá một hoa...

Khách nước ngoài quan tâm đến sản phẩm sâm Lai Châu
Khách nước ngoài quan tâm đến sản phẩm sâm Lai Châu

“Bệ đỡ” từ chính sách

Nhìn chung, các HTX dược liệu quý hiếm tại Lai Châu đã thu hút đông đảo thành viên là hộ dân người Mông, Dao, La Hủ… tại các bản tham gia vào các khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái. Điều này vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, vừa bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Theo phương thức đó, các HTX dược liệu tại Lai Châu đã bước đầu hình thành các chuỗi giá trị.

Ông Lê Quý Toàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu cho biết: Thời gian qua, Lai Châu đã triển khai đa dạng các loại hình HTX trong nhiều lĩnh vực, nâng tổng số HTX tại Lai Châu lên 416 đơn vị. Trong đó, nhiều HTX thuộc lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu trở thành mô hình HTX điển hình, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của tỉnh. Có thể nói, phát triển dược liệu đang là thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Lai Châu.

Một trong các quy trình sản xuất sản phẩm dược liệu tại HTX Mý Dao
Một trong các quy trình sản xuất sản phẩm dược liệu tại HTX Mý Dao

Ông Lê Quý Toàn cũng cho biết thêm: Đồng hành cùng các HTX thành viên, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức mở nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX, hỗ trợ HTX tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi. Liên minh HTX cũng tổ chức tư vấn, xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị. Song song đó, Liên minh HTX chú trọng xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, tổ chức cho các HTX nói chung, HTX dược liệu nói riêng tham gia các Hội chợ.

Chị Tẩn Mý Dao, thành viên HTX Mý Dao tại thị trấn Sìn Hồ chia sẻ: Nhờ được vay 300 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ phát triển của Liên minh HTX tỉnh, chị có thêm vốn đầu tư vào sản lượng và chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX Mý Dao đã nâng tổng số lên 6 sản phẩm OCOP, phân phối ra thị trường, đạt được hiệu quả kinh doanh tương đối cao. Trước đây, du khách cần đến Sìn Hồ mới được trải nghiệm phương thức tắm thuốc của người Dao. Nhưng hiện nay, các sản phẩm tắm thuốc, ngâm chân Mý Dao, hoa quả, dược liệu khô… của HTX Mý Dao đều có thể tìm thấy tại nhiều cửa hàng, chuỗi bán lẻ, siêu thị.

Để cụ thể hóa nội dung Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 3) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021 - 2025), tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình nhằm bảo tồn, phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng, giá trị kinh tế của những loài dược liệu quý hiếm.

Một công đoạn sản xuất dược liệu tại HTX Mý Dao
Một công đoạn sản xuất dược liệu tại HTX Mý Dao

Gần đây, tỉnh đã thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Dự án “Xây dựng mô hình trồng, nhân giống sâm Lai Châu nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc hữu tại các huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu”… Trên cơ sở đó, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho bà con giống các loại cây dược liệu quý hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết...

Cây dược liệu nói chung, sâm Lai Châu nói riêng đang trở thành cây “Quốc kế dân sinh” cho người dân vùng cao. Các HTX dược liệu đã và đang góp phần giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở vùng DTTS, vùng biên giới của tỉnh Lai Châu. Nỗ lực phát triển kinh tế của đồng bào các DTTS có “bệ đỡ” từ chính sách của Đảng và Nhà nước nên bà con an tâm “bám rừng, giữ bản”.


Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.