Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lai Châu: Tạo bước chuyển mới trong phát triển kinh tế biên mậu

Tùng Nguyên - 15:30, 10/11/2023

Tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 31/NQ-HĐND về Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, kinh tế biên mậu là một trong những trụ cột trong định hướng không gian phát triển của tỉnh Lai Châu. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế biên mậu, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 02/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền.

Sâm đang được tỉnh định hướng là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao của tỉnh trong thời gian tới. (Trong ảnh: Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm gian trưng bày Sâm Lai Châu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021)
Sâm đang được tỉnh định hướng là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao của tỉnh trong thời gian tới. (Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm gian trưng bày Sâm Lai Châu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021)

Tiềm năng lớn

Với đường biên giới dài 265,165km, giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có 4/7 huyện biên giới, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và là “phên dậu” của tổ quốc trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là tỉnh có nhiều lợi thế về để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ điện và khoáng sản. Những năm gần đầy, Lai Châu đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả khả quan.

Trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lai Châu định hướng phát triển du lịch trở thành lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh, phát triển mạnh du lịch treking leo núi, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, thu ngân sách địa bàn trên 4.500 tỉ đồng và khách du lịch đạt trên 2 triệu lượt người.

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Công thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn ngày 23/8/2023, ông Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết, trong 3 năm gần đây (2021 - 2023), kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, trung bình đạt khoảng 3,91%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 202) ước đạt 6.425,9 tỷ đồng; trong đó, năm 2021 đạt 2.067,7 tỷ đồng, năm 2022 đạt 2.223,6 tỷ đồng và năm 2023 ước đạt 2.134,6 tỷ đồng.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, những năm qua, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ. Hiện các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn từ cấp IV, cấp VI miền núi; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 96,5% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư. Cửa khẩu Ma Lù Thàng được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với TP. Lai Châu đang được đầu tư…

Trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lai Châu định hướng phát triển du lịch trở thành lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh. (Trong ảnh: Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là 1 trong 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam)
Trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lai Châu định hướng phát triển du lịch trở thành lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh. (Trong ảnh: Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận là 1 trong 4 điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam)

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để Lai Châu khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nhất là về khoáng sản, Lai Châu là tỉnh có tiềm năng đất hiếm. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm; tổng diện tích mỏ là 2.779,4 ha với tổng trữ lượng tính được khoảng 21 triệu tấn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Lai Châu đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: chè, quế, cao su, mắc-ca. Đặc biệt là cây sâm, đây là loại dược liệu quý được đưa vào danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam (2007), với tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc, nguồn gen đặc biệt quý hiếm. Do vậy, cây sâm đang được tỉnh định hướng là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao của tỉnh trong thời gian tới.

Thúc đẩy kinh tế biên mậu

Thời gian qua, để khai thác tiềm năng, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu. Đáng chú ý là Nghị quyết số 67/2016/NQ-HĐND ngày 10/12/2016 của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020.

 Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã ban hành 07 quyết định, 01 kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 12 -CT/TW của Bộ Chính trị về công tác đảm bảo an ninh kinh tế, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trong tháng 10/2023 – tháng diễn ra sự kiện Hội chợ Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Lai Châu 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 47.850 triệu đồng, tăng 4,52% so với tháng trước, tăng 9,12% so cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 10/2023 – tháng diễn ra sự kiện Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Lai Châu 2023, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 47.850 triệu đồng, tăng 4,52% so với tháng trước, tăng 9,12% so cùng kỳ năm trước.

Triển khai chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển hoạt động thương mại biên giới, nhiều địa phương trong tỉnh đã có thêm cơ hội mở rộng thị trường hàng hóa, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành nên các khu kinh tế vùng biên năng động. Kinh tế biên mậu đã góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ thương mại, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của Nhân dân khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Lai Châu, những năm qua, hoạt động của ngành công thương đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động thương mại ổn định, thị trường hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh đa dạng, phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân; hoạt động xuất nhập khẩu đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Theo Cục Thống kê tỉnh Lai Châu, trong 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đón khoảng 372.102 lượt khách, tăng 39,23% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 502.510 triệu đồng, tăng 20,40% so với cùng kỳ năm trước

Trong 10 tháng năm 2023, theo số liệu của Cục Thống kê Lai Châu, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 5.933.672 triệu đồng, tăng 13,30% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu trên địa bàn ước đạt 34,16 triệu USD, với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chè (2.278 tấn); giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt 20,99 triệu USD, với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị thủy điện (20,90 triệu USD).

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu là một trong những điểm nhấn trong Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 13/7/2023. Theo Quy hoạch, tỉnh Lai Châu định hướng không gian phát triển và các trụ cột phát triển theo trọng tâm “một trục - hai vùng - ba trụ cột”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương (đứng giữa) thăm quan gian hàng của tỉnh Lai Châu tại Hội chợ Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Lai Châu 2023. (Ảnh: laichau.gov.vn)
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương (đứng giữa) thăm quan gian hàng của tỉnh Lai Châu tại Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Lai Châu 2023. (Ảnh: laichau.gov.vn)

Trong đó, một trục là trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo Quốc lộ 32 - Quốc lộ 4D - Quốc lộ 12 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua Quốc lộ 279, kết nối các huyện, thành phố ra Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Hai vùng kinh tế của tỉnh gồm vùng kinh tế động lực (gồm các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ và TP Lai Châu) tập trung phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, văn hóa cộng đồng. Sản xuất điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến đất hiếm và phát triển đô thị, kinh tế biên mậu.

 Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái sông Đà (gồm các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè), tập trung bảo vệ phát triển rừng, trồng quế, mắc ca, cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng (sâm Lai Châu), dịch vụ môi trường rừng. Sản phẩm cao su, quế, mắc ca, dược liệu và các sản phẩm đặc hữu.

“Ba trụ cột phát triển kinh tế gồm: Dịch vụ, tập trung vào du lịch gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu; Công nghiệp, tập trung vào công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thủy sản; Nông nghiệp, tập trung vào phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị”. Quy hoạch nêu rõ.

Với Quy hoạch này, tỉnh Lai Châu đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%-11%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 116,6 triệu đồng/người/năm, huy động vốn đầu tư cho phát triển giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 168.000 tỉ đồng. Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện, bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.