Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Lai Châu: Tập trung vận động học sinh ra lớp

PV - 09:37, 03/09/2019

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, đồng bào DTTS chiếm đa số, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, việc huy động học sinh ra lớp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục nơi đây.

Chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Thành Trung, người được giao phụ trách tổ huy động học sinh ra lớp của Trường THCS Tả Lèng, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, khi thầy vừa vào bản đón các em về trường để chuẩn bị cho năm học mới. Thầy Trung tâm sự: Ở vùng cao này, nỗi lo lắng nhất của các thầy cô giáo vào năm học mới, là các em không tới lớp tới trường nữa. Cũng bởi đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn nên muốn con em mình ở nhà phụ giúp công việc gia đình.

“Mình phụ trách huy động học sinh ở bản người Mông Phìn Ngan, cách trường hơn 6 cây số. Hôm nay đi vận động hết một ngày mà cũng vẫn còn một số em chưa tới lớp. Các gia đình đưa ra lý do các em không muốn đi học; hay hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em là lao động chính nên cũng khó”.

Cấp phát vở và đồ dùng học tập cho học sinh tại Trường THCS Tả Lèng, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường. Cấp phát vở và đồ dùng học tập cho học sinh tại Trường THCS Tả Lèng, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường.

Bên cạnh những khó khăn này, theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn học sinh Trường THCS Tả Lèng đã có mặt ở trường từ nhiều ngày trước nên ngay trong ngày tập trung đầu tiên, với các môn học ngoại khóa làm quen trường lớp không khí học tập khá sôi nổi.

Năm học 2019-2020 này, Trường THCS Tả Lèng có 10 lớp, 397 học sinh, trong đó học sinh được hưởng các chế độ bán trú hơn 70 em. Đây là xã vùng 3 của huyện Tam Đường, với 11/12 bản đồng bào Mông, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Do đặc thù của một xã vùng cao, địa hình đồi núi dốc, chia cắt nên đến nay, xã Tả Lèng vẫn còn hơn 50% số hộ thuộc diện đói nghèo.

Thầy giáo Nguyễn Văn Trưởng, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Lèng cho biết: Nhà trường đã phân cụ thể cho từng giáo viên phụ trách từng bản, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và trưởng bản, có trách nhiệm nắm bắt, tuyên truyền, huy động, vận động đưa các em xuống lớp.

Những trường hợp nào khó khăn, nhà trường sẽ mời lãnh đạo UBND xã, các đoàn thể địa phương xuống tận thôn bản cùng với nhà trường tuyên truyền. Đến thời điểm này, cơ bản các em học sinh đã có mặt tại trường để chuẩn bị cho năm học mới.

“Với một số em chưa về trường, chúng tôi tiếp tục cử các thầy cô giáo tiếp tục bám bản vận động gia đình tạo điều kiện cho con em mình tới lớp tới trường”, thầy Trưởng cho biết thêm.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang khẩn trương chuẩn bị về cơ sở vật chất cho năm học mới. Các trường học trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang khẩn trương chuẩn bị về cơ sở vật chất cho năm học mới.

Ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Năm học này, tỉnh Lai Châu có trên 400 trường, với hơn 140 nghìn học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp học, nơi ăn, ở bán trú, trang thiết bị đồ dùng học tập cho học sinh. Toàn bộ số sách giáo khoa, vở viết và các đồ dùng khác cho học sinh bán trú đã được cấp đủ cho học sinh theo chế độ.

Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh vùng cao, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, đời sống của rất nhiều hộ gia đình cũng còn nhiều khó khăn nên việc quan tâm đến học hành của con em mình chưa được nhiều. Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến cho việc huy động các em học sinh ra lớp sau hè gặp muôn vàn khó khăn.

“Để giải quyết vấn đề này, Sở đã chỉ đạo toàn ngành phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện tuyên truyền, vận động để làm sao huy động các em đến trường. Đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa chúng tôi cũng chỉ đạo các nhà trường phải dựa vào đội ngũ trưởng thôn, bản; Người có uy tín… đến từng hộ gia đình, vận động học sinh ra lớp”, ông Tuấn thông tin.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.