Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lai Châu: Thanh niên khởi nghiệp từ vốn tín dụng chính sách

PV - 14:46, 18/04/2019

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nhu cầu thanh niên DTTS vay vốn phát triển kinh tế, tìm kiếm cơ hội để khởi nghiệp, lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp rất lớn. Theo đó, Tỉnh Đoàn Lai Châu cùng với các tổ chức chính trị-xã hội khác đã tích cực triển khai thực hiện ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Lai Châu, giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất.

Anh Nùng Văn Nên, dân tộc Thái ở bản Hua Nà, xã Hua Nà, huyện Than Uyên là một trong hai thanh niên của tỉnh được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2018 về Thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế khối nông thôn. Năm 2017, anh Nùng Văn Nên vay NHCSXH 100 triệu đồng để đầu tư mô hình trồng ổi Đài Loan. Có vốn, anh Nên đầu tư mua giống cây, mua phân đạm và làm đất để trồng cây ổi Đài Loan.

Thời gian đầu, do chưa biết cách chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho cây ổi nên không mang lại hiệu quả. Sau khi được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể và sự tìm tòi, học tập cách phòng chữa bệnh cho cây ổi, mô hình 4ha trồng ổi Đài Loan đã bước đầu mang lại hiệu quả. Trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Nguồn vốn chính sách đã giúp gia đình anh Nùng Văn Nên ở bản Hua Nà, xã Hua Nà, huyện Than Uyên vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn chính sách đã giúp gia đình anh Nùng Văn Nên ở bản Hua Nà, xã Hua Nà, huyện Than Uyên vươn lên thoát nghèo.

Anh Nên cho biết: “Khó khăn đầu tiên đối với thanh niên chúng tôi là nguồn vốn và kỹ thuật chăm sóc, phòng chữa bệnh. Không ít bạn trẻ khi bắt tay vào phát triển kinh tế đều không có vốn, không có kỹ năng chăm sóc nên rất dễ nản lòng và buông xuôi. Với tôi, nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho thanh niên đóng vai trò như lực đẩy, nguồn lực để phát triển kinh tế.

Cũng như anh Nùng Văn Nên, nhiều bạn trẻ ở nơi đây từ thanh niên trí thức, cử nhân cao đẳng, đại học đến vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS… có khát vọng lớn, dám chấp nhận khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Anh Lý A Cạo, ở bản Diện Thàng, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ là một điển hình.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, anh Cạo không xin đi làm ở các công ty mà lại trở về bản Diện Thàng vay vốn đầu tư nuôi bò sinh sản. Lúc đầu, anh chỉ vay 25 triệu đồng từ NHCSXH huyện Sìn Hồ để mua bò giống. Sau vài năm, anh mạnh dạn vay thêm 50 triệu theo chương trình giải quyết việc làm để mở rộng thêm hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò, trồng xen thêm 4ha sắn và 4ha chuối…

Nhờ chịu khó tìm tòi, học tập kinh nghiệm cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò và cây trồng, nên đàn bò và cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả, năng suất cao. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Trang trại chăn nuôi bò của anh trở thành mô hình kinh tế điển hình cho các đoàn viên trong toàn huyện học tập và làm theo.

Ông Trịnh Trọng Tấn, Phó Giám đốc Phụ trách NHCSXH tỉnh Lai Châu chia sẻ: Trong những năm qua, các bạn thanh niên khi khởi nghiệp, phát triển kinh tế cần nhất là nguồn vốn vay ưu đãi nên thường tìm đến nguồn vốn vay của NHCSXH. Nguồn vốn này có thể giúp các bạn thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho gia đình cũng như địa phương.

Anh Sùng A Nủ, Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu cho biết: Để phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh Đoàn đã giúp 13.323 đoàn viên, thanh niên được vay vốn phát triển sản xuất. Tổng dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt trên 459 tỷ đồng. Đã có 30 câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên được thành lập và bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả, tổng doanh thu, thu nhập bình quân thành viên đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng...

Tỉnh đoàn cũng đã hỗ trợ 4 dự án thanh niên phát triển kinh tế, với 421 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn và nhận ủy thác 421 tỷ đồng từ NHCSXH... Toàn tỉnh có 200 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm với các mô hình nông, lâm, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ... Nguồn vốn ưu đã giúp cho nhiều thanh niên tự lập thân, lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

MAI HUƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.