Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Lai Vung - Đồng Tháp: Cây đặc sản quýt hồng chết hàng loạt

Minh Triết - 09:40, 02/03/2020

Từ đầu năm đến nay, các nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đứng ngồi không yên, bởi họ vừa lao đao vì mùa quýt hồng trong vụ Tết bị thất thu, nay lại lo lắng trước thực trạng cây đặc sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền là “Quýt hồng Lai Vung” đang chết hàng loạt…

Đầu tư nhiều công sức, tiền bạc, nhưng gia đình ông Lưu Văn Ràng chỉ có được vài chậu quýt đạt chuẩn để xuất bán.
Đầu tư nhiều công sức, tiền bạc, nhưng gia đình ông Lưu Văn Ràng chỉ có được vài chậu quýt đạt chuẩn để xuất bán

Những năm gần đây, các nhà vườn ở Lai Vung đã đưa cây quýt hồng trồng vô chậu như cây cảnh để trang trí. Quýt cảnh được bán với giá 5 - 10 triệu đồng/chậu tùy kích cỡ, lượng trái, đem lại lợi nhuận cao hơn so với quýt bán trái.

Năm nay, có hơn 50% quýt hồng trồng trong chậu cảnh trên địa bàn huyện, cho trái rất thưa và muộn không đúng mùa vụ để phục vụ người tiêu dùng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Lai Vung, từ đầu năm đến nay, có trên 230/830ha quýt hồng bị chết. Diễn biến này diễn ra đột ngột và dự báo diện tích quýt hồng chết sẽ tiếp tục tăng, bởi hiện không có thuốc trị cho cây.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc Phụ trách Sở NN&PTNN Đồng Tháp cho biết, qua khảo sát thực trạng, hiện toàn huyện Lai Vung có 4.838,7ha cây có múi bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ và chết xanh, gồm cây quýt hồng, quýt đường, cam xoàn, cam dây... Trong đó, có 1.520ha bị chết, phải đốn bỏ và 3.723,1ha bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, cây quýt hồng có tỷ lệ nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ và chết xanh lên đến 97,58% diện tích (782,6/802ha).

“Tình trạng cây có múi nhiễm bệnh xuất hiện từ năm 2016, nhưng gây hại mạnh từ năm 2018 đến nay và rất khó điều trị. Kết quả nghiên cứu của một số viện, trường chuyên ngành cho thấy, nguyên nhân gây ra bệnh chủ yếu do ảnh hưởng từ tập quán canh tác. Cụ thể, nông dân lạm dụng phân bón hóa học, không bón phân hữu cơ đã làm đất bị bạc màu, cộng với tập quán lấy đất từ ruộng lúa đắp nền lên gốc cây có múi (lợp đất) đã tạo ra lớp nén cơ học”, ông Thiện phân tích.

Hiện tại, nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung mong muốn được công bố dịch, hy vọng có chính sách hỗ trợ giúp họ bớt khó khăn, có thêm điều kiện để tái canh. Bởi theo quy định, trong trường hợp được công bố dịch, các nhà vườn được hỗ trợ khôi phục sau dịch bệnh theo Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND ngày 14/5/2018 của UBND tỉnh với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/ha. Còn trường hợp không công bố dịch, phải chờ Sở NN&PTNN đề xuất UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ.

Theo Sở NN&PTNN Đồng Tháp, căn cứ các quy định hiện hành, chưa đủ cơ sở để công bố dịch.

Trao đổi thực tế này, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, ông đã yêu cầu Sở NN&PTNN tỉnh khẩn trương hoàn tất việc rà soát lại các kết quả nghiên cứu, đồng thời xin ý kiến cơ quan chức năng để tỉnh có thông tin, cơ sở đưa ra quyết định về việc có nên công bố dịch trên cây có múi ở Lai Vung hay không để các địa phương lân cận chủ động phòng ngừa khả năng lây lan.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.