Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Lâm Bình (Tuyên Quang): Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em

Vân Khánh - 08:32, 03/11/2022

Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình “Không còn nạn đói”, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đang nỗ lực cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đây là một trong những giải pháp của huyện để hướng tới mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững.

Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã có chuyến khảo sát tại Lâm Bình cuối tháng 10/2022. (Ảnh: lambinh.gov.vn)
Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã có chuyến khảo sát tại Lâm Bình cuối tháng 10/2022. (Ảnh: lambinh.gov.vn)

Mô hình phù hợp với đặc thù địa bàn

Năm 2011, huyện Lâm Bình được thành lập trên cơ sở nhập các xã nghèo nhất của huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa. Bởi vậy, khi vừa "khai sinh", Lâm Bình đã vào danh sách các huyện nghèo của cả nước, đời sống Nhân dân rất khó khăn.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, lúc mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện chiếm tới 71,16%, thu nhập chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/người/năm. Cũng bởi vậy, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) ở Lâm Bình rất cao. Một thống kê cho thấy, năm 2020, toàn huyện có trên 2.970 trẻ dưới 5 tuổi, chủ yếu là con em đồng bào DTTS, trong đó, tỷ lệ trẻ SDD thể thấp còi ở mức 23,72%.

Để hỗ trợ Lâm Bình trên hành trình giảm nghèo, thời gian qua, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa Lâm Bình vào diện thụ hưởng mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, trong khuôn khổ Chương trình “Không còn nạn đói ở Việt Nam” đến năm 2025. Mục tiêu không chỉ tạo sinh kế cho một bộ phận hộ nghèo ở Lâm Bình mà quan trọng hơn là tác động, thay đổi hành vi về dinh dưỡng của người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bị SDD ở địa phương này.

Mô hình dê sinh sản ở Lâm Bình sinh sản thuộc Chương trình “Không còn nạn đói ở Việt Nam” được triển khai ở Lâm Bình tháng 12/2021. (Ảnh: lambinh.gov.vn)
Mô hình dê sinh sản thuộc Chương trình “Không còn nạn đói ở Việt Nam” được triển khai tại huyện Lâm Bình tháng 12/2021. (Ảnh: lambinh.gov.vn)

Theo đó, tháng 12/2021, huyện Lâm Bình đã tổ chức triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản cho 20 hộ tham gia, trong đó có 10 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo có trẻ em dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai; tổng số dê được hỗ trợ 80 con (70 con dê sinh sản và 10 con dê đực giống lai). Mô hình dê sinh sản ở Lâm Bình sinh sản và phát triển rất tốt, đồng thời đang được nhân rộng.

Cuối tháng 10/2022 vừa qua, Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã có chuyến khảo sát tại Lâm Bình. Qua khảo sát cho thấy, triển khai mô hình nuôi dê hữu cơ, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây tổ chức 2 buổi tập huấn quy trình sản xuất, chăn nuôi dê thảo dược hữu cơ; hoàn thành việc làm 32 chuồng nuôi dê đạt tiêu chuẩn tại 2 HTX chăn nuôi dê Thổ Bình, Bình An. Huyện cũng đã thành lập 13 nhóm sở thích chăn nuôi dê tại 8 xã với 59 thành viên…

Hướng đến giảm nghèo dinh dưỡng

Thực tế cho thấy, nuôi dê với ưu điểm ít vốn, dễ mua, dễ bán, mô hình nuôi dê lấy thịt đang dần xóa nghèo cho nhiều hộ nghèo ở Lâm Bình. Kỹ thuật chăn nuôi dê hữu cơ từ mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng cũng đang dần lan tỏa, làm thay đổi tập quán chăn nuôi trước đây của bà con.

Gia đình ông Triệu Văn C ở thôn Tân Hoa, xã Bình An trước đây cũng nuôi vài con dê lấy thịt. Nhưng học tập từ mô hình nuôi dê sinh sản hữu cơ, gia đình ông đã mở rộng đàn dê. Sau gần một năm nuôi 10 con dê giống, đến nay gia đình ông đã có 25 con dê lớn nhỏ; trong đó có 15 dê cái sinh sản. Trung bình mỗi năm, dê đẻ 2 lứa, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập khoảng 50 triệu đồng.

Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã có chuyến khảo sát mô hình Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại Lâm Bình cuối tháng 10/2022. 9Ảnh: lambinh.gov.vn)
Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã có chuyến khảo sát mô hình Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống tại Lâm Bình cuối tháng 10/2022. Ảnh: lambinh.gov.vn)

Cũng như ông Triệu Văn C, nhiều gia đình ở xã Bình An nói riêng, toàn huyện Lâm Bình nói chung đang góp sức nhân rộng mô hình nuôi dê sinh sản hữu cơ. Qua đó, đến cuối năm 2021, riêng xã Bình An đã phát triển đàn dê sinh sản lên 665 con sinh với 85 hộ dân DTTS tham gia rất thành công, nâng tổng đàn dê trên địa bàn huyện Lâm Bình lên 3.692 con.

Mô hình nuôi dê sinh sản hữu cơ trên địa bàn huyện Lâm Bình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo có sinh kế ổn định, từng bước vươn lên, cùng với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Nhưng quan trọng hơn, mô hình đã và đang làm thay đổi hành vi của người dân thực hành dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày, góp phần giảm nghèo về dinh dưỡng, nhất là cho trẻ em. Theo tính toán, 1 con dê cái sinh sản có thể cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng/năm, đồng thời cung cấp lượng sữa tươi để cải thiện vi chất dinh dưỡng.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), triển khai Chương trình “Không còn nạn đói ở Việt Nam”, từ năm 2019, Cục đã thí điểm thực hiện 3 mô hình điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh; sau đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong năm 2020, 2021. Đây đều là những địa bàn khó khăn nhất, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, nhận thức về vi chất dinh dưỡng của người dân còn hạn chế.

“Từ các mô hình ban đầu và thành tựu lớn về giảm nghèo, chúng tôi cho rằng, việc giảm nghèo ở Việt Nam đã đến giai đoạn đẩy lên thành an ninh dinh dưỡng. Rõ ràng chúng ta đã làm giảm nghèo tốt rồi, lại là một nước có tiềm năng về nông nghiệp rất đa dạng, không có cớ gì chúng ta không đẩy nó lên một bước nữa về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, nhất là cho trẻ em từ lúc có thai cho đến dưới 2 năm tuổi. Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng đang hướng đến thực hiện mục tiêu đó”, ông Thịnh khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

“Giữ chân” người bảo vệ rừng bằng cơ chế đặc thù

Việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp là một trong những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát triển rừng. Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI ngày 22/8/2024 đã thông qua Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND (NQ14) về mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, ban hành mức cấp kinh phí khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh đối với các loại rừng với mức hỗ trợ đều tăng so với trước đây.