Là người đã có nhiều năm chăn nuôi dê cỏ nên ông Hoàng Văn Tiến ở bản Văn Lăng được bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả của cả 5 bản làng. Ông Tiến cho biết, việc người Mông biết chăn thả gia súc đã là cả một sự thay đổi nhận thức (trước kia chỉ thả rông), nay lại chăn nuôi theo quy trình được tập huấn khiến nhiều người lo không làm đúng kỹ thuật. Nhưng nhờ cán bộ tận tình hướng dẫn nên đồng bào cũng làm được hết.
Theo ông Trương Công Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, triển khai Dự án, 44 hộ dân ở 5 bản vùng cao của xã tham gia, gồm bản Liên Phương, Vân Khánh, Tân Sơn, Mong và Văn Lăng. Cả 44 hộ đều là hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 132 con dê cái giống, các hộ dân đối ứng 44 dê đực giống và làm chuồng nuôi. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cắt cử cán bộ phụ trách chương trình. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ, UBND xã Văn Lăng cũng cử cán bộ tham gia, phối hợp điều hành mô hình, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê cỏ sinh sản.
Theo tính toán, sau 2-6 tháng chăn nuôi, từ 3 con dê cái giống của một hộ có thể sinh sản 6-8 dê con; sau một năm thì con số sẽ đạt 12 con dê thương phẩm với trọng lượng 30 kg/con. Nếu nhân với giá thị trường 150 nghìn đồng/kg thì 12 con dê sẽ thu được 54 triệu đồng. Sau 3 năm thì con số trên sẽ đạt xấp xỉ 160 triệu đồng/hộ. Đây là nguồn thu nhập được kỳ vọng giúp các hộ tham gia dự án thoát nghèo.
TÙNG NGUYÊN